|
Chỉ dẫn: Bộ môn > Nghiên cứu
Đỗ Văn Dũng[1]
Đây là một nghiên cứu nhẵm xác định tỉ lệ hút thuốc lá ở sinh viên, học sinh và học viên khu vực phía Nam và các yếu tố ảnh hưởng bằng cách khảo sát cắt ngang 5272 thanh niên tuổi từ 15-24 ở các trường trung học, đại học, cao đẳng, dạy nghề ở khu vực này với bộ câu hỏi tự điền. Nghiên cứu ghi nhận được tỉ lệ hút thuốc lá ở nhóm đối tượng này là 7,38% (KTC 95% là 6,66-8,10%). Tỉ lệ hút thuốc lá khác biệt đáng kể theo giới tính (ở nam là 14,25% và ở nữ là 0,08%), tuổi (tỉ lệ hút thuốc lá gia tăng từ 15 tuổi và tăng nhanh nhất từ 18-22 tuổi), loại hình học tập (học sinh phổ thông là 1,12%; học viên học nghề 15,61% và sinh viên đại học là 9,51%), mức độ vận động thể lực, nghề nghiệp cha, nơi sinh.
Các yếu tố liên quan đến việc bắt đầu hút thuốc lá ở nam thanh niên theo mô hình Cox là loại hình học tập (trường dạy nghề có nguy cơ bắt đầu hút thuốc 3,3 lần, trường đại học có nguy cơ bắt đầu hút tăng gấp 1,5 lần) và vận động thể lực. Dựa vào kết quả nghiên cứu, chúng tôi đề nghị cần đẩy mạnh ngay việc giáo dục phòng chống thuốc lá trong trường học, nhất là ở trường đại học, các trường dạy nghề. Cần tăng cường giáo dục thể chất ở trường phổ thông để góp phần ngăn chặn hành vi hút thuốc lá.
Do Van Dung
This study is aimed to determine the prevalence of smoking among students in southern Vietnam and determinants by using a cross-sectional survey on 5272 students of regular schools, universities and vocational schools in this region using a self-administerd questionnaire. The study reported the percentage prevalence of smoking of 7,38% (95% CI =6.68-8,10%). The prevalences were difference by sex (prevalence among males was 14,25% and among females was 0,08%), age (the prevalence increased from 15 years of age and increased most rapid during 18-22 years of age), type of school (one of students of regular schools was 1,12%; vocational schools 15,61% and universities 9,51%), level of physical activities, occupation of fathers and place of birth.
The determinants of iniation of smoking among males determined by Cox model were type of schools (in vocational schools the risk increased 3.3 times, in universities the risk increased 1.5 times) and physical activites. Base on above results, it is recommended that the education effort for smoking prevention should be strenthened, especially in vocational schools and universities. Physical education should be strenthened to contribute to the effort of smoking prevention.
Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu có thể phòng tránh được trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế thế giới ước lượng khoảng 4 triệu người chết mỗi năm là do hút thuốc lá và con số này sẽ lên đến 8,4 triệu vào năm 2020[1]. Vào thời điểm đó, khoảng 70% tử vong do thuốc lá xảy ra ở các nước đang phát triển. Nghiên cứu ở các quốc gia đang phát triển cho thấy phần lớn người hút thuốc lá bắt đầu sử dụng thuốc lá trước 18 tuổi[2,3]. Những nghiên cứu gần đây cho thấy sự gia tăng tỉ lệ hút thuốc lá và tuổi bắt đầu hút thuốc lá giảm dần ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Nếu khuynh hướng này tiếp diễn, thuốc lá sẽ gây nên tử vong của 250 triệu người hiện đang là các thanh thiếu niên và phần lớn trong số này ở các nước đang phát triển [4]. Tuy nhiên, phần lớn các quốc gia đang phát triển đều không có đầy đủ thông tin về hút thuốc lá của thanh niên, trong đó có Việt nam.
Do đó, nghiên cứu này được thực hiện xác định tỉ lệ hút thuốc lá ở thanh niên Việt Nam tuổi từ 15-24 ở khu vực phía Nam và xác định các yếu tố ảnh hưởng đến thời gian bắt đầu hút thuốc lá ở nhóm tuổi này nhằm góp phần vào việc giám sát tình hình hút thuốc lá ở thanh niên Việt nam và định hướng thực hiện và đánh giá các chương trình kiểm soát hút thuốc lá.
Số liệu của nghiên cứu này được trích xuất từ một nghiên cứu ngang nhằm đánh giá chỉ số thể lực của thanh niên Việt nam khu vực phía Nam được tiến hành vào năm 2002.
Để mô tả tình hình hút thuốc lá của thanh niên Việt nam tuổi từ 15-24 ở khu vực phía Nam, nghiên cứu được tiến hành trên dân số thực tế là các sinh viên các trường Đại học, cao đẳng, học sinh các trường phổ thông trung học và học viên các trường dạy nghề. Cỡ mẫu cần thiết được tính theo công thức nhằm xác định tỉ lệ hút thuốc lá phân tầng theo nhóm giới tính, với sai số cận biên e là 1%
Nếu tỉ lệ hút thuốc lá của thanh thiếu niên Việt Nam vào khoảng 6%, tương đương với tỉ lệ này ở Trung quốc[5] cỡ mẫu cần thiết vào khoảng 2500 nam và 2500 nữ thanh niên.
Phương pháp lấy mẫu được sử dụng là phương pháp lấy mẫu nhiều bậc: trước tiên gồm phân tầng để có cỡ mẫu 2000 học sinh phổ thông, 2000 sinh viên đại học cao đẳng và 1000 học viên dạy nghề, bước thứ hai gồm các trường với xác suất được chọn tỉ lệ với quy mô của trường (quy mô tuyển sinh đối với trường Đại học, cao đẳng và kích thước dân số của Huyện, Thị đối với trường phổ thông và dạy nghề). Bước thứ ba gồm chọn ngẫu nhiên các lớp trong các cấp lớp phù hợp của các trường được chọn. Tất cả các học sinh trong lớp được chọn đều được tham gia nghiên cứu.
Các biến số phụ thuộc được ghi nhận bao gồm: đã từng hút thuốc lá, hiện đang hút thuốc lá, tuổi bắt đầu hút thuốc lá, số điếu thuốc lá sử dụng. Các biến số giải thích bao gồm: tuổi, giới, loại hình của trường học (đại học, phổ thông hay dạy nghề), nghề nghiệp của cha, mẹ, nơi sinh, số anh chị em, mức độ vận động thể lực. Số liệu được ghi nhận sử dụng bộ câu hỏi được học tự điền vào tại lớp học. Bộ câu hỏi và đề cương nghiên cứu được ban giám hiệu nhà trường xét duyệt và cho phép sử dụng.
Số liệu được nhập vào máy sử dụng phần mềm Epi-Info[6]. Phần mềm Stata được sử dụng để phân tích số liệu[7]. Các tỉ lệ được báo cáo với khoảng tin cậy 95% và được so sánh giữa các nhóm sử dụng kiểm định chi bình phương. Tuổi bắt đầu hút thuốc lá được phân tích bằng phương pháp Kaplan-Meier. Các yếu tố ảnh hưởng đến tuổi bắt đầu hút thuốc lá được xác định với hồi quy Cox. Các kiểm định được xem là có ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa < 0,05.
Số liệu được thu thập từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2002 và thu thập được 5272 bộ câu hỏi có các thông tin về tình hình hút thuốc lá. Bảng 1 trình bày các đặc tính cơ bản của dân số nghiên cứu.
Bảng 1. Đặc tính dân số và kinh tế xã hội của sinh viên học sinh trong dân số nghiên cứu
Đặc tính |
Tần suất (Tỉ lệ) |
Giới tính Nữ Nam |
2576 (48,9%) 2696 (51,1%) |
Loại trường Phổ thông Dạy nghề Đại học, cao đẳng |
2182 (41,4% 938 (17,8%) 2152(40,8%) |
Nghề nghiệp cha Công nhân viên, nông dân Mất sức, thất nghiệp Làm thuê |
4610 (87,4%) 520 (9,9%) 142 (2,7%) |
Nghề nghiệp mẹ Công nhân viên, nông dân Mất sức, thất nghiệp Làm thuê |
4017 (76,2%) 1119 (22,7%) 56 (1,1%) |
Thói quen vận động Ít vận động Vận động vừa Vận động nhiều |
949 (18,0%) 3994 (75,9%) 321 (6,1%) |
Nơi sinh Tại khu vực phía Nam Ngoài khu vực phía Nam |
4302 (84,1%) 815 (15,9%) |
Như vậy, loại hình các trường học của dân số nghiên cứu phản ánh yêu cầu của phương pháp lấy mẫu. Trong dân số nghiên cứu tỉ số nam: nữ xấp xỉ 1:1, tỉ lệ có cha mẹ là công nhân viên, nông dân và buôn bán chiếm đa số và tỉ lệ thanh niên sinh tại các tỉnh khu vực phía Nam là 84,1%.
Bảng 2. Tỉ lệ hút thuốc lá theo các đặc tính về giới, nghềnghiệp cha, nơi sinh, trường học và lứa tuổi
|
Có hút (tỉ lệ) |
Không hút |
Giá trị p |
Giới tính |
|
|
<0,001 |
Nữ |
2 (0.08) |
2452 |
|
Nam |
371 (14.25) |
2232 |
|
Nghề nghiệp cha |
|
|
0,297 |
Làm thuê |
13 (9.70) |
121 |
|
Nghề khác |
360 (7.31) |
4563 |
|
Nơi sinh |
|
|
<0,001 |
Miền Nam |
265 (6.46) |
3834 |
|
Nơi khác |
95 (11.77) |
712 |
|
Loại trường |
|
|
<0,001 |
Phổ thông |
22 (1.12) |
1950 |
|
Dạy nghề |
146 (15.61) |
789 |
|
Đại học |
205 (9.53) |
1945 |
|
Mức độ vận động |
|
|
<0,001 |
Ít |
80(8.73) |
836 |
|
Trung bình |
259(6.77) |
3564 |
|
Nhiều |
34(10.97) |
276 |
|
Tuổi |
|
|
<0,001 |
15 |
4 (0.66) |
605 |
|
16 |
9 (1.45) |
613 |
|
17 |
15 (1.95) |
754 |
|
18 |
42 (6.49) |
605 |
|
19 |
62 (8.81) |
642 |
|
20 |
89 (12.29) |
635 |
|
21 |
73 (14.20) |
441 |
|
22 |
44 (15.66) |
237 |
|
23 |
23 (16.78) |
114 |
|
24 |
12 (24.00) |
38 |
|
Tổng số |
373 (7.38) |
4684 |
|
Bảng 2 trình bày tỉ lệ hút thuốc lá chung ở sinh viên,học sinh,học viên tuổi từ 15-24 ở các trường khu vực phía Nam. Tỉ lệ hút thuốc lá chung là 7,38% (khoảng tin cậy 95% là 6,66% đến 8,10%). Tỉ lệ hút thuốc lá rất khác biệt theo giới tính (ở nữ tỉ lệ hút thuốc lá chỉ vào khoảng 0,1% và ở nam là 14,25%), tuổi (tỉ lệ hút thuốc lá tăng dần từ 0,66% ở 15 tuổi lên đến 24% ở nhóm tuổi 24 tuổi), theo nơi sinh, loại hình học tập. Trong số 373 người đã từng hút còn 273 người hiện đang hút thuốc lá (trong đó có 2 người nữ).
Ở nam thanh niên tỉ lệ hút đầu hút thuốc lá bắt đầu gia tăng đáng kể từ 15 tuổi và tăng nhanh nhất trong giai đoạn từ 18 đến 22 tuổi (Hình 1)
Hình 1. Đường cong Kaplan-Meier xảy ra biến cố bắt đầu hút thuốc lá theo tuổi ở nam thanh niên
Bảng 3. Số điếu thuốc lá hút mỗi ngày ở các nam sinh viên, học sinh từ 15-24 tuổi hiện đang hút thuốc lá
Loại hình học tập |
Số điếu thuốc hút |
||
Trung bình |
Độ lệch chuẩn |
Số đối tượng |
|
Phổ thông |
5.18 |
5.69 |
11 |
Dạy nghề |
7.20 |
5.35 |
115 |
Đại học |
5.41 |
3.48 |
133 |
Tổng số |
6.19 |
4.57 |
259 |
Bảng 3 trình bày số điếu thuốc hút mỗi mỗi ngày ở các nam sinh viên, học sinh hiện đang hút thuốc lá. Số điếu thuốc hút trung bình mỗi ngày là 6,2 điếu (độ lệch chuẩn là 4,6) và trung vị là 5 (khoảng tứ vị từ 3-10). Số điếu thuốc hút trung bình ở học sinh hút thuốc lá ở trường phổ thông và đại học tương đương nhau và thấp hơn số điếu thuốc hút ở học viên các trường dạy nghề.
Do tỉ lệ hút thuốc lá ở nữ sinh viên học sinh là không đáng kể, việc xác định các yếu tố ảnh hưởng đến việc bắt đầu hút thuốc lá chỉ được tập trung trên các đối tượng nam giới sử dụng hồi quy Cox. Kết quả được trình bày ở bảng 4.
Bảng 4. Nguy cơ tương đối bắt đầu hút thuốc lá ở nam sinh viên,học sinh tuổi từ 15-24 theo các yếu tố loại hình học tập, nơi sinh, nghề nghiệp của cha và mức độ vận động thể lực được ước lượng theo mô hình Cox (n=2513)
Biến số |
Nguy cơ tương đối |
Sai số chuẩn |
Thống kê z |
Giá trị p |
KTC 95% |
Sinh ngoài KV phía Nam |
1.228 |
0.151 |
1.670 |
0.095 |
(0.96-1.56) |
Trường dạy nghề |
3.361 |
0.849 |
4.798 |
<0.001 |
(2.05-5.52) |
Trường đại học |
1.834 |
0.465 |
2.393 |
0.017 |
(1.12-3.01) |
Cha làm thuê |
1.511 |
0.430 |
1.452 |
0.146 |
(0.87-2.64) |
Mức độ vận động thể lực |
0.786 |
0.084 |
-2.264 |
0.024 |
(0.64-0.97) |
Theo mô hình đa biến, các yếu tố có ảnh hưởng đến việc bắt đầu hút thuốc lá là loại hình học tập (nguy cơ cao nhất là các trường dạy nghề, kế đến là trường đại học-cao đẳng) và mức độ vận động thể lực (càng ít vận động nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá càng cao). Nghề nghiệp của cha và nơi sinh không có ảnh hưởng có ý nghĩa thống kê lên việc bắt đầu hút thuốc lá.
Trong dân số nghiên cứu, tỉ lệ nữ là 48,9% la là phù hợp với cơ cấu giới tính trong các cơ sở đào tạo. Cơ cấu loại hình đào tạo học sinh phổ thông : học viên dạy nghề : sinh viên đại học phản ánh là 2 : 1 : 2 do kết quả của phương pháp lấy mẫu phân tầng. Tuổi phân bố tương đối đồng đều từ 15 đến 23 tuổi mặc dù tỉ lệ thanh niên có tuổi là 24 tương đối thấp do đặc thù của việc chọn mẫu ở các trường Đại Học. Như vậy, do phương pháp chọn mẫu mẫu xác suất nhiều bậc, dân số nghiên cứu có tính đại diện cho dân số thực tế là học sinh, sinh viên của các trường khu vực phía Nam tuy nhiên dân số này chưa thể đại diện cho toàn thể thanh niên ở khu vực phía Nam về hành vi hút thuốc lá.
Tỉ lệ hút thuốc lá trong dân số nghiên cứu được ước tính là 7,38% (KTC 95% là 6,66% đến 8,10%). Tỉ lệ hút thuốc lá được ghi nhận là thấp hơn so với các khảo sát về tình hình hút thuốc lá ở học sinh của 13 quốc gia đang phát triển, trong đó tỉ lệ hút thuốc lá ở học sinh từ 13-15 tuổi thấp nhất được báo cáo là ở tỉnh Sơn đông,Trung quốc là 2,4%[5]. Sự khác biệt này có thể do sự khác nhau về định nghĩa hút thuốc lá: trong nghiên cứu của chúng tôi, hút thuốc lá là hút thuốc lá mỗi ngày trong ít nhất 7 ngày trước đó và trong nghiên cứu tình hình hút thuốc lá ở học sinh 13 nước hút thuốc lá được định nghĩa là một lần hút thuốc lá trong 30 ngày trước đó. Tỉ lệ hút thuốc lá ở nam (14,2%) cao hơn ở nữ là tương tự như kết quả ở các quốc gia đang phát triển khác. Một điểm đáng mừng cho các nữ thanh niên Việt nam là tỉ lệ tỉ lệ hút thuốc lá ở nữ (0,1%) là rất thấp so với các quốc gia đang phát triển.
Tỉ lệ hút thuốc lá gia tăng theo tuổi. Ở nam giới, tuổi bắt đầu có sự gia tăng tỉ lệ hút thuốc lá đáng kể là 15 tuổi là lứa tuổi chuyển tiếp từ thiếu niên sang thanh niên, có nhiều biến động tâm lí và chịu sự tác động của bạn bè. Từ lứa tuổi 18 đến 22 tuổi, tỉ lệ bắt đầu hút thuốc lá còn tiếp tục tăng nhanh hơn do ở lứa tuổi này, các thanh niên là sinh viên đại học hay học viên các trường dạy nghề thường có sự độc lập về phương tiên chi tiêu và sống xa gia đình.
Loại hình học tập ảnh hưởng đáng kể đến thói quen hút thuốc lá: học viên các trường dạy nghề có tỉ lệ hút thuốc lá cao nhất (15,6%) tiếp theo là học sinh các trường đại học, cao đẳng (9,53%). Học sinh phổ thông có tỉ lệ hút thuốc lá thấp nhất (1,1%) do việc quản lí ở các trường phổ thông nghiêm ngặt hơn và tuổi tác thấp hơn ở nhóm dân số này. Mặc dù thanh niên sinh tại các tỉnh ngoài khu vực phía Nam có tỉ lệ hút thuốc lá cao hơn (11,8% so với 6,5%) nhưng nơi sinh không phải là yếu tố nguy cơ độc lập do tác động của nơi sinh bị mất trong mô hình hồi quy đa biến Cox. Phân tích sâu hơn cho thấy tỉ lệ hút thuốc lá cao hơn ở thanh niên sinh ngoài khu vực phía Nam là do tuổi trung bình của nhóm này cao hơn. Tỉ lệ hút thuốc lá ở thanh niên có cha đi làm thuê cũng cao hơn ở các nghề khác (9,7% so với 7,3%) nhưng yếu tố này cũng không phải là yếu tố nguy cơ độc lập theo phân tích của mô hình Cox.
Mô hình Cox cho thấy hai yếu tố có liên quan đến của việc bắt đầu hút thuốc lá là loại hình học tập và mức độ vận động thể lực, trong đó loại hình học tập có thể xem là yếu tố ảnh hưởng đến việc hút thuốc lá còn mức độ vận động thể lực không được rõ là nguyên nhân hay kết quả của việc bắt đầu hút thuốc lá. Nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá cao nhất ở học viên các trường dạy nghề (3,3 lần so với học sinh phổ thông) và tiếp theo là sinh viên các trường đại học (gấp 1,8 lần so với học sinh phổ thông). Sự khác biệt này một phần do sự khác biệt về mức độ chặt chẽ của công tác quản lí học sinh và vai trò của môi trường học tập, một phần là do sự khác biệt về các yếu tố kinh tế xã hội cơ bản và thành tích học tập trước đó.
Khi mức độvận động thể lực tăng từ ít sang trung bình hay từ vận động trung bình sang vận động nhiều nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá giảm chỉ còn 79% so với trước đó. Trong trường hợp này khó có thể khẳng định đây là mối liên hệ nhân quả bởi vì có thể cho rằng thanh niên khi bắt đầu hút thuốc lá có thể giảm mức độ vận động thể lực. Nhưng giả định điều này xảy ra, nghĩa là người hút thuốc lá bị ảnh hưởng xấu đến mức độ vận động thể lực thì việc duy trì mức độ vận động thể lực cao cũng hạn chế việc bắt đầu hút thuốc lá.
Qua khảo sát cắt ngang 5272 thanh niên tuổi từ 15-24 ở các trường trung học, đại học, cao đẳng, dạy nghề ở các tỉnh khu vực phía Nam chúng tôi ghi nhận được tỉ lệ hút thuốc lá ở nhóm đối tượng này là 7,38% (KTC 95% là 6,66-8,10%). Tỉ lệ hút thuốc lá khác biệt đáng kể theo giới tính (ở nam là 14,25% và ở nữ là 0,08%), tuổi (tỉ lệ hút thuốc lá gia tăng từ 15 tuổi và tăng nhanh nhất từ 18-22 tuổi), loại hình học tập (học sinh phổ thông là 1,12%; học viên học nghề 15,61% và sinh viên đại học là 9,51%), mức độ vận động thể lực, nghề nghiệp cha, nơi sinh.
Các yếu tố liên quan đến việc bắt đầu hút thuốc lá ở nam thanh niên theo mô hình Cox là loại hình học tập (trường dạy nghề có nguy cơ bắt đầu hút thuốc 3,3 lần, trường đại học có nguy cơ bắt đầu hút tăng gấp 1,5 lần) và vận động thể lực. Dựa vào kết quả nghiên cứu, chúng tôi đề nghị cần đẩy mạnh ngay việc giáo dục phòng chống thuốc lá trong trường học, nhất là ở trường đại học, các trường dạy nghề. Cần tăng cường giáo dục thể chất ở trường phổ thông để góp phần ngăn chặn hành vi hút thuốc lá.
[1] TS, BS Giảng viên Bộ môn Thống kê y học và Tin học, khoa Y tế Công cộng, Đại Học Y Dược TP Hồ Chí Minh