|
Chỉ dẫn: Bộ môn > Nghiên cứu
Đỗ Văn Dũng[1]
Mục tiêu của nghiên cứu nhằm mô tả và đánh giá một chương trình máy tính để đánh giá tại một thời điểm và giám sát trong theo thời gian tình trạng dinh dưỡng của trẻ em và người lớn. Một số các trường hợp lâm sàng được sử dụng để minh hoạ cách ứng dụng phần mềm này trong theo dõi dinh dưỡng ở cộng đồng và tại nhà. Kết xuất chương trình này được so sánh với các chương trình máy tính đánh giá dinh dưỡng khác như EpiNut của Epi-Info 6.04 và Nutrition của Epi-Info 2000.
Kết quả cho thấy chương trình máy tính này cho kết đánh giá đánh giá dinh dưỡng phù hợp với kết quả của các chương trình đánh giá dinh dưỡng khác nhưng có tính dễ sử dụng, có lí giải các kết quả đánh giá, có khả năng trình bày kết quả theo dõi dinh dưỡng của trẻ theo thời gian. Do đó chương trình này sẽ giúp ích cho cán bộ y tế và người dân giám sát dinh dưỡng của trẻ em và hữu ích trong việc giáo dục sức khoẻ dinh dưỡng
A computer program for nutrition assessment and monitoring.
Do Van Dung
The objective is to describe and evaluate a simple computer program for nutrition assessment at a time point and nutrition monitoring over a time period for children and adults. Several case examples are presented for explaining how to use the program.
This computer program gives the results consistent with those from similar computer programs. This computer program is more user friendly, more self explanatory to the general public and permits monitoring nutrition status over the time. Therefore this computer is helpful to health worker and the public for nutrition assessment and nutrition evaluation. It is helpful for health education to improve nutrition.
Suy dinh dưỡng là một vấn đề sức khoẻ quan trọng và phổ biến ở Việt nam và được sự chính phủ hết sức quan tâm quan tâm.1 Một công cụ quan trọng để phòng chống suy dinh dưỡng là biểu đồ phát triển.2 Biểu đồ này giúp các bà mẹ phát hiện sớm các bất thường về dinh dưỡng của trẻ để có cách xử lí cho phù hợp và đồng thời là điểm vào giúp nhân viên sức khoẻ trao đổi với bà mẹ về thực hành nuôi con và chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ.
Tuy nhiện hoạt động truyền thông dinh dưỡng nói chung và việc sử dụng biểu đồ phát triển trẻ em còn nhiều hạn chế. Sự hạn chế này thường được quy trách nhiệm cho sự thiếu nhiệt tình của các cộng tác viên dinh dưỡng và khả năng truyền thông của họ còn bị hạn chế. Tuy nhiên nguyên nhân của vấn đề không chỉ do mức bồi dưỡng thấp mà còn do bản chất phức tạp của việc đánh giá suy dinh dưỡng. Việc đánh giá dinh dưỡng có tính chất động vì vậy cần phải theo dõi cân nặng và chiều cao trong thời gian dài nhưng việc sử dụng biểu đồ phát triển của trẻ trong chương trình dinh dưỡng quốc gia chỉ tập trung ở giai đoạn dưới 2 tuổi và không có biểu đồ theo dõi phát triển chiều cao. Hơn nữa việc đánh giá suy dinh dưỡng dựa vào các khái niệm nhân trắc như điểm Z (Z-score), bách vị (percentile), phần trăm của trung vị (percent of median) là những khái niệm mà không phải bác sĩ đa khoa nào cũng nắm vững nên việc thông tin kết quả đánh giá dinh dưỡng với các bà mẹ của các cộng tác viên còn hạn chế và việc tính toán các chỉ số đánh giá nhân trắc hầu như không thể thực hiện nếu không có sự trợ giúp của máy tính.
Đã có một số chương trình máy tính được Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kì xây dựng cho phép tính toán các chỉ số nhân trắc như chương trình EpiNut.exe của phần mềm Epi-Info3 version 6 và chương trình Nutstat của bộ phần mềm Epi-Info 20004. Các chương trình này có giao diện sử dụng tiếng và phức tạp, theo mặc định không hiển thị ngày tháng và đơn vị cân đo của Việt nam, và đặc biệt là không có phần giải thích kết quả đánh giá nhân trắc dinh dưỡng. Ngoài ra, một số chương trình không có chức năng trình bày sự tăng trưởng của trẻ trên đồ thị (Epinut.exe).
Vì vậy câu hỏi nghiên cứu của đề tài này là (1) có thể xây dựng một chương trình máy tính sử dụng tiếng Việt để đánh giá dinh dưỡng cho trẻ em và người lớn hay không ? (2) Chương trình này có cho kết quả đúng như các chương trình đánh giá dinh dưỡng do Tổ chức Y tế Thế giới phát triển hay không? Và (3) Chương trình này có phù hợp cho các nhân viên y tế và cộng tác viên dinh dưỡng để sử dụng và có giúp cho việc lí giải số đo nhân trắc và chẩn đoán dinh dưỡng hay không?
Để trả lời các câu hỏi này, chúng tôi phát triển một chương trình máy tính đơn giản để phục vụ cho công tác đánh giá và giám sát dinh dưỡng bằng đo đạc nhân trắc. Chương trình thể hiện các số đo nhân trắc và hiển thị chẩn đoán dinh dưỡng cho trẻ. Chương trình cũng cho phép hiển thị sự tăng trường cân nặng theo tuổi và chiều cao theo tuổi của trẻ trong khoảng thời gian phát hiện sớm các rối loạn dinh dưỡng.
Chương trình này được viết bằng ngôn ngữ Visual Basic version 6.0 và chạy độc lập (không cần bất cứ phần mềm nào khác) trên máy tính sử dụng hệ điều hành 9x hay cao hơn. Giao diện (Hình 1) bao gồm để nhập thông tin, bao gồm thông tin về cá nhân (tên, ngày sinh, giới tính), kết quả cho mỗi lần cân đo của đối tượng (ngày cân đo, chiều cao, cân nặng, chu vi cánh tay), và để cung cấp các chỉ số nhân trắc (cân nặng và chiều cao chuẩn, chỉ số điểm Z và hạng của số đo nhân trắc so với 100 trẻ trong dân số chuẩn) và chẩn đoán dinh dưỡng.
Trên giao diện, đơn vị của trọng lượng được sử dụng là kg và của chiều cao là cm là đơn vị đo lường chính thức và phổ biến ở Việt nam. Ngày sinh và ngày đo được nhập theo định dạng ngày – tháng – năm.
Hình 1. Màn hình nhập liệu và đánh giá nhân trắc dinh dưỡng cho trẻ gồm 4 khung. Khung ở trên để nhập thông tin về cá nhân. Khung ở giữa bên trái nhập các số đo nhân trắc cho các lần cân đo. Khung ở giữa bên phải để ghi nhận kết quả. Khung với chữ màu xanh ở dưới là giải thích về kết quả đánh giá nhân trắc và đưa lời khuyên cần thiết.
Các chỉ số nhân trắc được tính bao gồm chiều cao chuẩn dựa trên tuổi, cân nặng chuẩn dựa trên tuổi, cân nặng chuẩn dựa trên chiều cao; khoảng cách giữa chiều cao thực và chiều cao chuẩn theo tuổi; giữa cân nặng thực và cân nặng chuẩn theo tuổi; giữa cân nặng thực và cân nặng chuẩn theo chiều cao tính theo đơn vị độ lệch chuẩn (còn gọi là điểm chuẩn hoá hay điểm Z); và thứ hạng của chiều cao thực trong dân số có cùng tuổi, thứ hạng của cân nặng thực trong dân số có cùng tuổi, thứ hạng của chiều cao thực trong dân số có cùng chiều cao (còn gọi là bách phân vị).5 Tất cả các chỉ số này đều được tính dựa vào đường cong tham khảo được Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kì và Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra vào năm 1977/1985.6 Chỉ số khối cơ thể (được gọi tắt là BMI – Body Mass Index) được tính bằng công thức:7
Hình 2. Đồ thị thể hiện sự tăng trưởng cân nặng của một đứa trẻ được biểu diễn bằng các dấu hoa thị màu xanh dương trên hai đường cong: đường cong tăng trưởng chuẩn và đường cong của ngưỡng bị suy dinh dưỡng. Đồ thị cho thấy trong giai đoạn dưới 2,5 tuổi trẻ chưa bị suy dinh dưỡng nhưng bị đe doạ suy dinh dưỡng, từ 3,5 tuổi đến 5 tuổi trẻ phát triển xấp xỉ với đường cong chuẩn nhưng từ giai đoạn sau 5 tuổi trẻ có khuynh hướng tăng trưởng cân nặng nhanh và có nguy cơ bị béo phì.
Các kết quả đo đạc của từng đối tượng được trình bày dưới dạng đồ thị trong đó biểu diễn cân nặng (chiều cao) của trẻ theo tuổi bằng các hoa thị màu xanh dương trên 2 đường cong: đường cong thể hiện sự tăng trưởng của dân số chuẩn (đường cong màu xanh lục) và đường cong thể hiện ngưỡng mức của suy dinh dưỡng (đường cong màu đỏ). (Hình 2)
Để kiểm tra tính chính xác của thuật toán được sử dụng trong chương trình máy tính của chúng tôi (được gọi là chương trình Dinh dưỡng trẻ em), thông tin về một đứa trẻ có ngày sinh 13 tháng 1 năm 1995 và kết quả cân đo vào ngày 25 tháng 9 năm 1997 có chiều cao 90 cm và cân nặng 12 kg được đưa vào hai chương trình: chương trình dinh dưỡng trẻ em (Hình 1) và chương trình Nutstat.exe của phần mềm Epi-Info 2000 (Hình 3).
Hình 3. Màn hình nhập liệu và đánh giá nhân trắc cho chương trình Nutstat do Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoà Kì và Tổ chức Y tế Thế giới xây dựng. Khung ở trên để nhập thông tin về cá nhân. Khung bên trái phía dưới nhập các số đo nhân trắc cho các lần cân đo. Khung bên phải phía dưới thông báo các chỉ số nhân trắc tính toán.
Các ưu điểm chính của chương trình dinh dưỡng trẻ em gồm:
- Thể hiện ngày tháng theo quy định của Việt nam
- Thể hiện chính xác các kí tự tiếng Việt
- Trình bày thêm chiều cao chuẩn theo tuổi, trọng lượng chuẩn theo tuổi và trọng lượng chuẩn theo chiều cao. Đây là các thông tin rất có ích để giúp người chăm sóc trẻ biết rõ mục tiêu phấn đấu.
- Giao diện gọn và loại bỏ các thông tin quá chi tiết hoặc ít được sử dụng: thí dụ bách phân vị và điểm Z chỉ cần được trình bày với một số lẻ, các chỉ số nhân trắc của chu vi cánh tay trong được trình bày.
- Có phần giải thích ý nghĩa của các chỉ số nhân trắc, cung cấp đánh giá sơ bộ hoặc chẩn đoán dinh dưỡng cũng như đưa ra các đề nghị phù hợp.
Và do cả hai chương trình dinh dưỡng trẻ em và Nutstat đều sử dụng cơ sở dữ liệu do Trung tâm kiểm soát và phòng chống bệnh tật Hoa kì và Tổ chức Y tế thế giới cung cấp6 kết quả tính toán các chỉ số nhân trắc của hai chương trình này là đồng nhất.
Chương trình Nutstat cũng có khả năng thể hiện sự tăng trưởng của đứa trẻ theo thời gian (Hình 4). Tuy nhiên ngoài việc thể hiện chính xác các kí tự tiếng Việt chương trình dinh dưỡng trẻ em còn có những ưu điểm sau:
- Cho phép theo dõi tăng trưởng của trẻ từ lúc mới sinh cho đến lần cân đo cuối cùng. Do khó khăn vì kĩ thuật, chương trình Nutstat chỉ cho phép hoặc trình bày sự tăng trưởng từ lúc sinh đến hai tuổi hoặc từ hai tuổi đến 10 tuổi.
- Đồ thị của chương trình dinh dưỡng trẻ em đơn giản và tương tự với biểu đồ con đường sức khoẻ mà các cộng tác viên dinh dưỡng đã quen thuộc.
Hình 4. Đồ thị thể hiện sự tăng trưởng cân nặng của một đứa trẻ trong chương trình Nutstat của phần mềm Epi-Info 2000. Cân nặng qua các lần cân đo được biểu diễn bằng các dấu chấm đen cùng với 7 đường cong mô tả sự phát triển ở các bách phân vị khác nhau.
Ở các nước đang phát triển nói chung và ở Việt nam nói riêng, suy dinh dưỡng là một vấn đề sức khoẻ công cộng quan trọng. Ở Việt nam vào năm 1999, tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi tính theo chỉ số cân nặng theo tuổi là 33,8%.8
Việc đánh giá và theo dõi tình trạng dinh dưỡng của trẻ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc hạ thấp tỉ lệ suy dinh dưỡng. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân việc sử dụng biểu đồ tăng trưởng còn chưa được đạt quy mô yêu cầu. Một trong các nguyên nhân là các cộng tác viên còn chưa hiểu rõ các chỉ số nhân trắc như điểm chuẩn hoá (điểm Z) hay bách phân vị. Vì vậy chương trình này cũng phần giải thích các chỉ số nhân trắc và đưa ra chẩn đoán.
Các đặc điểm của phần chẩn đoán của chương trình dinh dưỡng trẻ em như sau:
- Không cung cấp chẩn đoán và lí giải về chiều cao theo tuổi khi trẻ nhỏ hơn 9 tháng. Ở dưới tuổi này việc đo chiều dài của trẻ thường mắc phải sai số đo đó việc lí giải chiều cao theo tuổi có thể khiến người chăm sóc trẻ có những lo ngại hoặc kì vọng không thích đáng. Hơn nữa, ở lứa tuổi này việc quan tâm cho tình trạng dinh dưỡng hiện tại của trẻ (thể hiện bằng cân nặng theo tuổi) là quan trọng hơn việc quan tâm đến sự suy dinh dưỡng trong quá khứ thể hiện bằng chiều cao theo tuổi.
- Ở lứa tuổi dưới 18 tuổi, khi cân nặng của trẻ bị vượt chuẩn, chỉ lí giải trẻ bị thừa cân chứ không chẩn đoán béo phì. Bởi vì việc chẩn đoán béo phì ở lứa tuổi này không có lợi mà còn có thể có hại nếu người chăm sóc trẻ áp dụng các biện pháp tiết chế nghiêm ngặt. Lí do là ở lứa tuổi nhũ nhi, tình trạng dinh dưỡng của trẻ thay đổi rất nhanh chóng và nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng khá cao nên trẻ thừa cân có thể dễ dàng trở về cân nặng bình thường. Hiện nay chưa có bằng chứng về sự liên hệ béo phì ở lứa tuổi nhũ nhi và các lứa tuổi sau.9 Hơn nữa ở lứa tuổi nhũ nhi, việc tiết chế sẽ gây nên những tác hại về phát triển thể chất và trí não, giảm đề kháng với nhiễm trùng.10
- Khi trẻ bị thừa cân, chương trình máy tính sẽ xem xét cân nặng theo chiều cao. Nếu cả hai chỉ số này đều cao mới chẩn đoán là béo phì cho trẻ. Một đứa trẻ có chiều cao phát triển tốt so với tuổi và cân nặng theo chiều cao là bình thường (khi đó cân nặng theo tuổi sẽ cao) thì không được chẩn đoán là béo phì để tránh việc áp dụng các biện pháp tiết chế có hại cho phát triển thể lực và trí tuệ.
- Khi trẻ bị thiếu cân, chương trình sẽ cố gắng phân biệt đây là thiếu cân theo tuổi hay thiếu cân theo chiều cao. Trẻ bị thiếu cân theo chiều cao sẽ được chẩn đoán là suy dinh dưỡng cấp và được khuyến cáo đến cơ sở y tế ngay lập tức để điều trị. Nếu trẻ chỉ bị thiếu cân theo tuổi nhưng cân nặng theo chiều cao nằm trong giới hạn bình thường thì trẻ sẽ được chẩn đoán suy dinh dưỡng và được khuyên đến khám tại cơ sở y tế nhưng việc thăm khám này không có tính chất khẩn cấp.
- Đối với người trưởng thành, chương trình sẽ không biện luận các chỉ số cân nặng theo tuổi hay chiều cao theo tuổi mà chỉ đánh giá dinh dưỡng chủ yếu qua chỉ số khối cơ thể. Tiêu chuẩn đánh giá béo phì và thiếu năng lượng trường diễn được dựa theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.11
Việc thể hiện bằng biểu đồ sự phát triển và cân nặng và chiều cao của trẻ cũng như các lí giải cho chỉ số dinh dưỡng bằng chương trình máy tính sẽ có tác động tích cực đến nhận thức của người chăm sóc về tình trạng dinh dưỡng của trẻ và là công cụ tốt để giáo dục sức khoẻ về mặt dinh dưỡng cho người dân.
Chương trình dinh dưỡng trẻ em có hạn chế do chỉ đánh giá dinh dưỡng bằng chỉ số nhân trắc một cách máy móc mà không kết hợp với các phương pháp đánh giá dinh dưỡng khác như xét nghiệm sinh hoá, xét nghiệm huyết học, đánh giá khẩu phần ăn, khám lâm sàng, ... Tuy nhiên cần lưu ý chương trình máy tính này không nhằm để thay thế bác sĩ hay các kết quả xét nghiệm khác (nếu cần thiết) mà được sử dụng với mục đích (1) trợ giúp người bác sĩ tính toán các chỉ số nhân trắc dinh dưỡng và lưu lại trong cơ sở dữ liệu để tiện việc theo dõi bệnh nhân và (2) hướng dẫn cho người nhân viên sức khoẻ cộng đồng đánh giá dinh dưỡng của trẻ và cho lời khuyên nếu không có bác sĩ tại chỗ.
Tóm lại, một chương trình máy tính “Dinh dưỡng trẻ em” được phát triển để sử dụng bởi các nhân viên y tế và những người chăm sóc trẻ để đánh giá và theo dõi dinh dưỡng của trẻ. Chương trình có giao diện hoàn toàn bằng tiếng Việt, cho kết quả chính xác, dễ sử dụng cung cấp các giải thích và chẩn đoán dinh dưỡng khi không có sự hiện diện của bác sĩ là các ưu điểm chính để chương trình được sử dụng có hiệu quả và rộng rãi bởi nhân viên sức khoẻ cộng đồng và người dân nói chung.
1. Viện Dinh dưỡng. Mục tiêu phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em : Sổ tay phòng chống suy dinh dưỡng (Tài liệu dành cho cộng tác viên). Nhà xuất bản Y học, Hà nội, 1999
2‑Bộ Y tế . Kế hoạch nội dung triển khai mục tiêu phòng chống suy dinh dưỡng năm 1999. Bộ y tế, Hà nội, 1999
3. Dean AG, Dean JA, Coulombier D, Brendel KA, Smith DC, Burton AH, Dicker RC, Sullivan K, Fagan RF, Arner TG. Epi Info, Version 6: A Word-Processing, Database, and Statistics Program for Public Health on IBM-compatible Microcomputers. Centers for Disease Control and Prevention, Atlanta, Georgia, U.S.A., 1995.
4. Dean AG, Arner TG, Sangam S, Sunki GG, Friedman R, Lantinga M, Zubieta JC, Sullivan KM, Smith DC. Epi Info 2000, a database and statistics program for public health professionals for use on Windows 95, 98, NT, and 2000 computers. Centers for Disease Control and Prevention, Atlanta, Georgia, USA, 2000.
5.WHO working group . Use and interpretation of anthropometric indicators of nutritional status. Bull WHO 1986; 64:929-41.
6. Dibley MJ, Goldsby JB, Staehling NW, Trowbridge FL. Development of normalized curves for the international growth reference: historical and technical considerations. Am J Clin Nutr 1987; 46:736-48.
7‑Hà Huy Khôi. Phương pháp dịch tễ dinh dưỡng. Nhà xuất bản Y học, Hà nội, 1997
8. Bộ Y tế. Niên giám thống kê y tế 1999. Phòng thống kê tin học - Bộ Y tế, Hà nội, 1999.
9. Hernesniemi I. Zachmann M, Prader A. Skinfold thichness in infancy and adolescence. A longitudinal correlation study in normal children. Helv Pediatr Acta. 1974; 29:523-530.
10. Butte NF. Meeting Energy Needs. Trong: Tsang RC, Zlotkin SH, Nichols B, Hansen JW (eds) Nutrition During Infancy. Digital Educational Publishing , Inc, Cincinnati, Ohio, 1997.
11‑Hà Huy Khôi. Mấy vấn đề dinh dưỡng trong thời kì chuyển tiếp. Nhà xuất bản Y học, Hà nội, 1995
[1] Tiến sĩ, Bác sĩ, Giảng viên Bộ môn Thống kê y học và Tin học, khoa Y tế Công cộng, Đại Học Y Dược TP Hồ Chí Minh