|
Chỉ dẫn: Bộ môn > Nghiên cứu
Đỗ Văn Dũng[1], Nguyễn Bích Loan[2]
Mục tiêu: Nghiên cứu nhằm so sánh gánh nặng bệnh tật do các nhóm bệnh nhiễm trùng, tai nạn, tự tử, ung thư, bệnh tim mạch trong dân số chung và trong từng đối tượng ở các vùng kinh tế – địa lí Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh.
Phương pháp: Đây là một nghiên cứu mô tả cắt dọc hồi cứu thu thập thông tin về các trường hợp tử vong được ghi nhận trong sổ hộ tịch ở các địa phương được nghiên cứu.
Kết quả: Tai nạn, bệnh nhiễm trùng, bệnh tật chu sinh, bệnh tim mạch, tự tử là những gánh nặng bệnh tật hàng đầu ở khu vực Nam trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ. Tử vong để lại nhiều hậu quả bất lợi nhất cho xã hội là tử vong trong lứa tuổi từ 15 đến 49 tuổi. Nam có tuổi thọ thấp hơn nữ và có số tử vong do hầu hết các nguyên nhân là cao hơn so với nữ (ngoại trừ nguyên nhân tự tử gây số tử vong bằng nhau ở hai giới) đặc biệt là tử vong do tai nạn. Nguyên nhân tai nạn là gánh nặng quan trọng nhất ở lứa tuổi từ 5 đến 49 tuổi. Gánh nặng quan trọng ở lứa tuổi trên 50 là bệnh tim mạch và bệnh ung thư. Ở lứa tuổi dưới 5, các nguyên nhân nhiễm trùng, tử vong sơ sinh và tai nạn có gánh nặng bệnh tật xấp xỉ bằng nhau.
Một loại hình tai nạn quan trọng nhất ở miền Tây Nam bộ là té sông. Té sông gây tử vong xảy ra đều ở nam và nữ. Ở các khu vực khác, tai nạn giao thông là gánh nặng hàng đầu và là nguyên nhân chính của sự khác biệt tuổi thọ giữa nam và nữ.
Những kết quả này có thể nghiên cứu để đề ra các chính sách y tế thích hợp cho từng địa phương và đối tượng.
Objectives: This study aims to compare the lost-years of life due to different groups of communicable diseases, accident, suicide, cancer, cardio-vascular diseases in the general population in four ecological regions: Central highland, Central coast, South-East region and Mekong river delta.
Method: This is a cross-sectional study collecting data from vital statistics and death certificate from a convenient sample of communes in the four regions.
Results: Accident, communicable diseases, neonatal diseases, cardio vascular and suicide cause the largest share of lost-years of life in the four regions. Deaths occuring from 15 to 49 years account for more lost-years of life than deaths in other age groups. Except from suicide where the mortality rates of male and female are similar, mortality rates due to the other causes are higher in male. In children under five, the most common causes of deaths are communicable diseases, neonatal death and accident. From 5 to 49, the most common cause of death is accident whereas for people more than 50 the most common causes are cardio-vascular diseases and cancer. A characteristic type of accident occuring in Mekong river delta is drawning. Deaths caused by traffic accident are common in every region and account for most of the difference in life expectancy between two genders.
The findings can be analysed for developing health policies appropriate for each regions and for the whold country.
Đánh giá gánh nặng bệnh tật trong cộng đồng dân cư là một yêu cầu cấp thiết nhằm xây dựng các chính sách y tế thích hợp nhằm giải quyết những nhu cầu thiết yếu nhất của nhân dân. Có nhiều phương pháp đã được các nhà hoạt động y tế công cộng đề xuất để đánh giá gánh nặng bệnh tật của dân số trong đó có hai phương pháp quan trọng nhất là phương pháp DALY (Disability adjusted life years – số năm cuộc sống được điều chỉnh theo mức độ tàn tật) và phương pháp số năm sống bị mất.
Phương pháp DALY hiện nay đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều nước để chọn lựa ưu tiên các vấn đề y tế và cho phép đánh giá toàn bộ gánh nặng bệnh tật của cộng đồng dù bệnh đó gây chết (làm mất toàn bộ số năm cuộc sống) hay gây tàn tật (làm mất một phần số năm cuộc sống) [1]. Tuy nhiên việc đánh giá trực tiếp gánh nặng bệnh tật theo phương pháp DALY đòi hỏi một công trình nghiên cứu kéo dài, nghiêm túc và tốn kém do phải điều tra tỉ suất mới mắc (incidence) của toàn bộ các loại bệnh tật trên dân cư.
Phương pháp số năm sống bị mất (lost years of life) chỉ cho phép đánh giá gánh nặng bệnh tật của các bệnh gây tử vong [2]. Việc đo lường số năm sống bị mất dựa theo một lập luận đơn giản là nếu một người không mắc bệnh, người đó sẽ sống đến tuổi thọ trung bình của dân số và nếu ông ta chết tại một lứa tuổi nào đó, thí dụ như 40 tuổi, thì số năm sống ông ta đã bị “mất” một số năm sống bằng tuổi thọ trung bình của dân số, thí dụ như 68 tuổi, trừ đi tuổi lúc chết, 40 tuổi, và bằng 28 tuổi. Nếu một người chết vào lúc 20 tuổi người đó sẽ có số năm sống bị mất là 48 tuổi, ngược lại nếu người nào đó chết ở lứa tuổi 68 hay 70 thì người đó không mất đi một năm sống nào. Phương pháp này quan tâm đến tuổi lúc chết và như thế nó hợp lí hơn số tử vong bởi vì nói cho cùng, ai cũng phải chết, điều duy nhất khác nhau là chết sớm hay chết muộn. Phương pháp số năm sống bị mất cho phép tính tổng số năm sống bị mất của một nhóm người hay số năm sống bị mất do từng bệnh cá biệt. Một ưu điểm chính của phương pháp này là nó có thể được thực hiện bằng cách theo dõi tỉ suất tử vong do các loại bệnh tật khác nhau trong một quần thể nhất định. Điều này có thể thực hiện tương đối nhanh chóng và ít tốn kém ở Việt Nam và các nước có hệ thống hộ tịch đăng kí các trường hợp tử vong.
Phương pháp đo lường gánh nặng bệnh tật bằng số năm sống bị mất cho một cái nhìn toàn diện về tất cả các loại bệnh tật trong cộng đồng. Điều này khác với cách xem xét riêng lẻ một loại bệnh tật bằng các chỉ số bệnh tật (morbidity data), các chỉ số này cho phép đánh giá quy mô của một bệnh tật nhất định nhưng không cho phép so sánh nó với các bệnh tật khác và với toàn bộ gánh nặng bệnh tật. Ngoài ra việc tính toán số năm sống bị mất cho phép lựa chọn các bệnh tật quan trọng của một nhóm dân số nhất định, thí dụ như ở phụ nữ hay ở lứa tuổi từ 15-29 tuổi. Điều này đặc biệt quan trọng ở nước ta bởi vì phần lớn các số liệu về bệnh tật không được chia theo tuổi và giới tính.
Nhằm có thêm số liệu để đánh giá chính xác tình hình bệnh tật và sức khỏe ở Việt Nam trong thời kì đổi mới, nhóm nghiên cứu tiến hành một cuộc điều tra trên quy mô nhỏ tại một số địa phương thuộc vùng Nam trung bộ, Tây nguyên và Đông Nam bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh với các mục tiêu:
1- Ước tính gánh nặng bệnh tật của các loại bệnh tật: ung thư, bệnh tim mạch, tự tử, tai nạn, bệnh sơ sinh và các bệnh tật khác.
2- So sánh những khác biệt về gánh nặng bệnh tật theo yếu tố con người (giới tính, tuổi) và theo vùng kinh tế địa lý.
Nghiên cứu này không nhằm mục đích tính tỉ suất tử vong theo tuổi và theo giới bởi vì đây là một nghiên cứu có quy mô nhỏ nên việc ước lượng không chính xác. Một lí do khác là bởi vì thời gian hạn chế, việc kiểm tra tính đầy đủ của các báo cáo tử vong không thể thực hiện được. Tuy nhiên để so sánh gánh nặng bệnh tật của các nhóm bệnh khác nhau chúng ta không cần có đầy đủ số liệu tử vong mà chỉ cần không có sai lệch trong việc ghi nhận nguyên nhân tử vong.
Đây là một cuộc nghiên cứu mô tả cắt dọc hồi cứu nhằm thu thập những thông tin:
- Dân số hiện tại (vào ngày 1/1/1998) của địa phương phân theo nhóm tuổi và giới tính
- Các trường hợp chết trong 2 năm 1996-1997 và các thông tin về năm sinh, năm chết, nguyên nhân chết và giới tính của đối tượng.
Dân số nghiên cứu gồm các người dân của các phường, xã hiện có nhân viên đang học lớp bác sĩ chuyên tu tuyến cơ sở năm thứ nhất tại trường Đại Học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Khuyết điểm của cơ cấu chọn mẫu này là mẫu được chọn không đại diện cho toàn bộ dân số Việt Nam. Dù vậy, lí do chúng được sử dụng là cách lấy mẫu này cho phép giảm thiểu thời gian thu thập số liệu và do có thể tiếp xúc trực tiếp với người thu thập số liệu, số liệu có chất lượng đảm bảo hơn.
Những sinh viên này được yêu cầu trở về địa phương (hoặc nhờ một người quen trong ngành) thu thập các thông tin dựa vào sổ khai tử tại phòng hộ tịch xã và các căn cứ dữ liệu khác tại địa phương. Số liệu được nhập vào máy tính nhờ phần mềm Epi-Info version 6.04. Những nguyên nhân chết được chia thành các nhóm bệnh như đã liệt kê trong phần mục tiêu. Tùy theo tuổi của đối tượng nghiên cứu lúc chết, một khoảng năm sống bị mất (lost years of life) bằng tuổi thọ trung bình của người Việt Nam trừ cho tuổi lúc chết sẽ được gán cho nguyên nhân chết tương ứng. Trong nghiên cứu này, năm sống bị mất không bị chiết khấu theo mức độ mất giá trị trong tương lai và những tử vong dưới 1 tuổi vẫn được xem là có góp phần vào số năm sống bị mất. Những giả định này để làm đơn giản việc tính toán nhưng sẽ không làm thay đổi đáng kể mức độ quan trọng của những nguyên nhân gây tử vong.
Tổng năm sống bị mất cho từng nhóm bệnh sẽ được tính cho từng nhóm tuổi (0-4; 5-14; 15-29; 30-49; 50-59; 60+) và từng khu vực kinh tế địa lí (Nam trung bộ, Tây nguyên, Đông nam bộ, Tây nam bộ và thành phố Hồ Chí Minh).
Phương pháp bảng sống cũng được ứng dụng để tính kì vọng sống từ các tuổi 0, 5, 15, 30, 50, 60 cho đối tượng nam và nữ [3]. Trong trường hợp kì vọng sống từ tuổi 0 cao so với thực tế, nhóm nghiên cứu giả định rằng một số các trường hợp tử vong đã không được báo cáo và những thiếu sót trong báo cáo tử vong xảy ra đều trong các nhóm tuổi do đó tỉ suất tử vong sẽ được điều chỉnh lên theo một hệ số nhất định để có kì vọng sống ở tuổi 0 phù hợp với thực tế và qua đó tính kì vọng sống ở các lứa tuổi khác.
Phần mềm được sử dụng trong phân tích thống kê là phần mềm thống kê STATA. Các hình vẽ được vẽ bằng phần mềm Microsoft Excel.
Cuộc điều tra thu thập số liệu về dân số và tử vong trong 81 xã (2 xã ở Tây nguyên, 10 xã ở Nam trung bộ, 22 xã ở miền Đông Nam bộ, 41 xã ở Tây Nam bộ và 6 phường ở TP Hồ Chí Minh) với tổng dân số là 817.662 người (408.419 nam và 409.243 nữ). Tổng số tử vong được ghi nhận là 4437 trường hợp. Như vậy tỉ suất chết thô trong dân số nghiên cứu không khác biệt nhiều so với tỉ suất chết thô chung của cả nước (5,4‰ so với 4,8‰).
Nếu số liệu về tử vong là chính xác thì kì vọng sống ở tuổi 0 ở nam giới là 77,7 tuổi và ở nữ giới là 84,7 tuổi (sự khác biệt là 7 tuổi) và kì vọng sống ở các lứa tuổi khác được trình bày trong Bảng 1.
Bảng 1. Kì vọng sống ở các tuổi khác nhau được ước tính từ nghiên cứu gánh nặng bệnh tật với giả định tất cả những tử vong được ghi nhận đầy đủ.
Tuổi |
0 |
5 |
15 |
30 |
50 |
Nam |
77.7 |
72.8 |
63.0 |
30.9 |
22.6 |
Nữ |
84.7 |
79.7 |
69.9 |
55.4 |
36.6 |
Do dân số nghiên cứu chủ yếu là của TP Hồ Chí Minh và Nam bộ nên chúng ta có thể chấp nhận tuổi thọ trong dân số nghiên cứu cao hơn tuổi thọ trung bình trong cả nước. Tuy vậy sự chênh lệch này là rất đáng kể (tuổi thọ này xấp xỉ với tuổi thọ hiện nay ở Thụy Điển và, do đó, phù hợp với nhận định rằng có sự sai lệch trong việc thu thập số liệu). Số liệu từ những nghiên cứu khác cho phép giả định rằng tuổi thọ ở 0 tuổi ở nam giới trong khu vực kinh tế địa lí này là 68. Điều chỉnh tỉ suất tử vong ta tính được kì vọng sống ở các nhóm tuổi (Bảng 2)
Bảng 2. Kì vọng sống ở các tuổi khác nhau được ước tính từ nghiên cứu gánh nặng bệnh tật sau khi đã điều chỉnh để tuổi thọ nam giới bằng 68 tuổi.
Tuổi |
0 |
5 |
15 |
30 |
50 |
Nam |
68.0 |
63.1 |
53.4 |
39.4 |
22.4 |
Nữ |
76.4 |
69.7 |
59.9 |
45.6 |
27.3 |
Nhìn chung có thể thấy sự khác biệt về kì vọng sống giữa nam và nữ là do sự khác biệt về tỉ suất tử vong trong khoảng tuổi từ trên 30.
Tóm lại số liệu báo cáo về tử vong được ước đoán là thấp hơn so với thực tế. Do vậy số liệu về kì vọng sống là không chính xác. Tuy nhiên nếu số tử vong được ghi nhận với tỉ lệ xấp xỉ bằng nhau ở các nhóm tuổi, kì vọng sống ở các tuổi khác nhau sau khi điều chỉnh phần nào có giá trị.
Có 4437 trường hợp tử vong được phân chia theo nhóm tuổi và theo giới (Bảng 3).
Bảng 3. Số chết theo nhóm tuổi và giới tính (Nguồn: Nghiên cứu gánh nặng bệnh tật)
Tuổi |
Nam |
Nữ |
Tổng số |
0-4 |
133 (5.26) |
110 (5.79) |
243 (5.49) |
5-14 |
106 (4.19) |
75 (3.95) |
181 (4.09) |
14-30 |
249 (9.85) |
122 (6.42) |
371 (8.37) |
31-49 |
450 (17.79) |
227 (11.94) |
677 (15.28) |
50-59 |
248 (9.81) |
162 (8.52) |
410 (9.26) |
60+ |
1343 (53.10) |
1205 (63.39) |
2548 (57.52) |
|
2529 (100.00) |
1901 (100.00) |
4430 (100.00) |
Nhìn chung nam tử vong nhiều hơn nữ ở lứa tuổi từ 31 – 49 tuổi trong khi đó một tỉ lệ nữ tử vong từ 60 tuổi trở lên lại cao hơn nam. Điều này là nguyên nhân của tuôỉ thọ nữ cao hơn của nam.
Về phân bố theo lứa tuổi, đa số các trường hợp chết (57.52%) xảy ra ở lứa tuổi trên 60 tuổi. Tuy vậy tử vong lứa tuổi từ 31-49 tuổi chiếm một tỉ lệ quan trọng 15.3% và để lại nhiều hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Lứa tuổi từ 0-4 cũng chiếm một tỉ lệ cao trong tổng số trường hợp tử vong.
Hình 1. Tổng gánh nặng bệnh tật theo từng nhóm tuổi (Nguồn: Nghiên cứu gánh nặng bệnh tật)
Mặc dù đa số trường hợp chết xảy ra trên 60 tuổi, gánh nặng bệnh tật phần lớn là do tử vong ở các lứa tuổi từ 15-49 và từ 0-4 tuổi (Hình 1). Mô hình bệnh tật này khác biệt vơí mô hình ở các nước phát triển: thí dụ ở Thụy điển trên 50% năm sống bị mất là do tử vong ở lứa tuổi từ 45 đến 64 tuổi. Sơ đồ này cho thấy trọng điểm của chính sách y tế của Việt Nam vẫn phải tập trung vào trẻ dưới 5 tuổi và người lao động.
Số liệu tử vong cũng cho thấy tai nạn là gánh nặng bệnh tật quan trọng nhất tiếp theo sau là nhóm bệnh nhiễm trùng và bệnh tật chu sinh. Các nhóm bệnh có tầm quan trọng ít hơn là bệnh tim mạch, tự tử và ung thư.
Hình 2. Tổng gánh nặng bệnh tật theo từng nhóm bệnh (Nguồn: Nghiên cứu gánh nặng bệnh tật)
Tai nạn là gánh nặng y tế quan trọng nhất do nó xảy ra ở lứa tuổi trẻ từ 15 đến 49 tuổi. Do lứa tuổi này có hiệu quả sinh lợi lớn nhất cho xã hội và gia đình, tử vong ở lứa tuổi đó sẽ gây tổn thất về mặt kinh tế và tinh thần cho xã hội và gia đình. Hơn nữa phần lớn các tử vong do tai nạn là có thể đề phòng được, chính sách y tế cần phải đặt ưu tiên vào việc phòng ngừa các bệnh tật và tử vong do tai nạn.
Bệnh nhiễm trùng là gánh nặng quan trọng thứ nhì do đó cũng là một ưu tiên quan trọng. Hơn nữa nếu bỏ qua việc phòng chống bệnh truyền nhiễm sẽ làm gia tăng nguy cơ xuất hiện dịch bệnh và sẽ làm trầm trọng thêm gánh nặng bệnh truyền nhiễm. Kết quả này cho thấy mô hình bệnh tật của nước ta chủ yếu vẫn còn là mô hình bệnh của nước đang phát triển.
Các bệnh tim mạch và ung thư chưa phải là ưu tiên cao xét về gánh nặng bệnh tật mặc dù trong tương lai quy mô của các bệnh này sẽ gia tăng. Do việc điều trị thường khó khăn và tốn kém, ưu tiên của chính sách y tế nên tập trung vào việc phòng chống bệnh ung thư và tim mạch, chủ yếu là thông qua các chiến dịch chống hút thuốc lá và cổ vũ chế độ ăn uống lành mạnh.
Tự tử và bệnh tật sơ sinh cũng là những nguyên nhân gây mất năm sống quan trọng. Do tử vong sơ sinh phần lớn do bệnh uốn ván và nhiễm trùng phổi
Xem xét cơ cấu gánh nặng bệnh tật từng nhóm tuổi cho phép xác định đối tượng ưu tiên khi cần can thiệp vào các nhóm bệnh cụ thể. Hình 3 trình bày gánh nặng bệnh tật theo từng nhóm bệnh ở từng nhóm tuổi: nhóm bệnh tật chu sinh là gánh nặng bệnh tật quan trọng nhất ở trẻ từ 0-4 tuổi. Ở nhóm tuổi này tai nạn và nhiễm trùng cũng là những gánh nặng bệnh tật quan trọng. Trong nhóm tuổi từ 5 đến 14 tuổi, gánh nặng bệnh tật quan trọng nhất là tai nạn chiếm trên 60% và các bệnh nhiễm trùng chiếm khoảng 20%. Tai nạn vẫn là gánh nặng quan trọng nhất ở lứa tuổi 15-29 và 30-49 mặc dù tỉ lệ quan trọng có giảm đi do sự gia tăng vấn đề tự tử (lứa tuổi 15-29) và bệnh tim mạch (lứa tuổi 30-49). Tự tử đã trở thành gánh nặng quan trọng (chiếm khoảng 12%) và nổi bật nhất ở lứa tuổi từ 15-29. Trong khoảng tuổi trên 50, bệnh tim mạch và bệnh ung thư trở thành gánh nặng quan trọng nhất vượt qua gánh nặng bệnh tật do tai nạn gây ra.
Nhìn chung tai nạn là gánh nặng bệnh tật quan trọng nhất và xuất hiện từ lứa tuổi rất nhỏ (từ 0-4) và tăng lên ở các lứa tuổi từ 5-14 và 14-29. Nhiễm trùng đứng hàng thứ hai và ở đều các nhóm tuổi. Bệnh tim mạch đứng hàng thứ ba và là gánh nặng bệnh tật hàng đầu ở lứa tuổi từ trên 50 tuổi. Đặc biệt tự tử, là gánh nặng bệnh tật đặc trưng ở nhóm tuổi từ 15-29.
Hình 4. Tỉ số giới tính trong tử vong của các nhóm bệnh (Nguồn: nghiên cứu gánh nặng bệnh tật)
Trong các nhóm bệnh gây tử vong, không có sự chênh lệch về số tử vong giữa nam và nữ do nguyên nhân già cả, tự tư,û bệnh tật chu sinh. Tử vong ở nam cao hơn ở nữ khoảng 1,5 lần do các nguyên nhân tim mạch, ung thư, nhiễm trùng và khoảng 2,5 lần do nguyên nhân tai nạn (Hình 4).
Việc xem xét cơ cấu gánh nặng bệnh tật theo khu vực cũng là quan trọng bởi vì nó cho phép xây dựng các chính sách y tế thích hợp cho từng địa phương chuyên biệt. Trái với nhận thức tự nhiên, tầm quan trọng tương đối của gánh nặng bệnh tật do tai nạn ở thành phố Hồ Chí Minh thấp hơn so với các khu vực kinh tế địa lí khác. Điều này cũng đúng đối với gánh nặng bệnh tật do tự tử. So với khu vực thành phố Hồ Chí Minh, gánh nặng bệnh tật do tai nạn và tự tử ở miền Tây nam bộ cao hơn nhưng lại thấp hơn so với khu vực kinh tế địa lí khác (Hình 5).
Gánh nặng bệnh tật do bệnh tim mạch có tỉ lệ cao ở TP Hồ Chí Minh và thấp nhất ở Nam trung bộ, nơi có mức sống thấp. Kết quả trên gợi ý ở các khu vực kinh tế càng phát triển kém, gánh nặng bệnh tật do tai nạn và tự tử lại càng lớn. Ở vùng đô thị và khá giả, bệnh tim mạch là một gánh nặng quan trọng. Một điều thú vị là không có sự khác biệt rõ rệt về gánh nặng bệnh tật do bệnh truyền nhiễm giữa các khu vực.
Bởi vì tai nạn là gánh nặng bệnh tật quan trọng nhất, việc phân tích gánh nặng này theo nguyên nhân tai nạn, tuổi và giới tính là hết sức quan trọng
Như đã trình bày trong Hình 4, tai nạn là gánh nặng chủ yếu ở các lứa tuổi dưới 50. Tuy nhiên có sự khác biệt giữ a nam và nữ: ở nam giới, tử vong tai nạn xảy ra phổ biến hơn (410 trường hợp so với 164). Tuy nhiên sự khác biệt này cũng thay đổi theo lứa tuổi: ở lứa tuổi dưới 5, nam và nữ đều có số tử vong do tai nạn bằng nhau và sự khác biệt tăng dần ở lứa tuổi từ 5-14 tuổi và đạt mức cao nhất ở lứa tuổi trên 15 (Hình 6).
Tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu trong tất cả các loại tai nạn, sau đó là tai nạn do té sông, điện giật, sét đánh (Bảng 4).
Tuy nhiên cơ cấu các nguyên nhân tai nạn khác nhau ở các địa phương. Nguyên nhân do tai nạn giao thông phổ biến nhất ở vùng Tây Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh, Đông Nam bộ. Trong khi đó tai nạn do té sông lại là nguyên nhân tử vong do tai nạn hàng đầu ở miền Tây Nam bộ. Điện giật nhìn chung có số tử vong tương đối thấp nhưng cũng là nguyên nhân tử vong nổi bật ở miền Tây Nam bộ sau té sông và tai nạn giao thông.
Hình 7. Cơ cấu nguyên nhân ở các vùng kinh tế – địa lí khác nhau
Bảng 4. Số chết do các loại tai nạn và phần trăm trong tổng số tai nạn
Loại tai nạn |
Số trường hợp |
Phần trăm |
Tai nạn giao thông |
225 |
39.1 |
Té sông |
158 |
27.5 |
Tai nạn khác |
87 |
15.1 |
Điện giật |
25 |
4.3 |
Sét đánh |
16 |
2.8 |
Bị giết |
14 |
2.4 |
Ngộ độc rượu |
13 |
2.3 |
Ngộ độc khác |
11 |
1.9 |
Té hào |
8 |
1.4 |
Rắn cắn |
8 |
1.4 |
Đạn, bom |
7 |
1.2 |
Chấn thương sọ não |
2 |
0.3 |
Hỏa hoạn |
1 |
0.2 |
Cơ cấu tai nạn gây tử vong cũng khác nhau giữa nam giới và nữ giới. Các nguyên nhân tai nạn giao thông, điện giật, giết người, ngộ độc rượu, té hào và rắn cắn gây nhiều tử vong ở nam hơn ở nữ. Té sông và sét đánh là nguyên nhân gây tử vong đồng đều ở nam và ở nữ. Riêng các tử vong do ngộ độc lại xảy ra nhiều ở nữ hơn nam. Do đó, việc phòng tránh tai nạn cần phải có những biện pháp riêng thích hợp cho những đối tượng và địa phương khác nhau.
Hình 8. Số chết do các nguyên nhân tai nạn ở nam và ở nữ
Tai nạn, bệnh nhiễm trùng, bệnh tật chu sinh, bệnh tim mạch, tự tử là những gánh nặng bệnh tật hàng đầu ở khu vực Nam trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ. Tử vong để lại nhiều hậu quả bất lợi nhất cho xã hội là tử vong trong lứa tuổi từ 15 đến 49 tuổi. Nam có tuổi thọ thấp hơn nữ và có số tử vong do hầu hết các nguyên nhân là cao hơn so với nữ (ngoại trừ nguyên nhân tự tử gây số tử vong bằng nhau ở hai giới) đặc biệt là tử vong do tai nạn. Nguyên nhân tai nạn là gánh nặng quan trọng nhất ở lứa tuổi từ 5 đến 49 tuổi. Gánh nặng quan trọng ở lứa tuổi trên 50 là bệnh tim mạch và bệnh ung thư. Ở lứa tuổi dưới 5, các nguyên nhân nhiễm trùng, tử vong sơ sinh và tai nạn có gánh nặng bệnh tật xấp xỉ bằng nhau.
Một loại hình tai nạn quan trọng nhất ở miền Tây Nam bộ là té sông. Té sông gây tử vong xảy ra đều ở nam và nữ. Ở các khu vực khác, tai nạn giao thông là gánh nặng hàng đầu và là nguyên nhân chính của sự khác biệt tuổi thọ giữa namvà nữ.
Những kết quả này có thể nghiên cứu để đề ra các chính sách y tế thích hợp cho từng địa phương và đối tượng.
1. World Bank. World Development Report 1993. New York, Oxford University Press, 1993
2. The National Board of Health and Welfare. Swedn’s Public Heath Report 1997. Stockholm, Socialstyrelsen 1998
3. Newell C. Methods and Models in Demography. New York, John Willey & Sons, 1994