Chỉ dẫn: Bộ môn > Nghiên cứu 

DỰ BÁO TÌNH HÌNH SỨC KHỎE BỆNH TẬT Ở VIỆT NAM ÐẾN 2010.

Ðỗ Văn Dũng[1]

Tóm tắt

Việc dự báo tình hình sức khoẻ bệnh tật ở Việt nam vào năm 2010 dựa vào các dự báo về dân số học, mức độ đô thị hoá, mức độ gia tăng của các yếu tố nguy cơ (hút thuốc lá, chế độ làm việc tĩnh tại, khẩu phần ăn nhiều chất béo, v.v). Kết quả cho thấy dân số Việt nam vào năm 2010 vào khoảng 94 triệu người với tỉ lệ người trên 40 gia tăng đáng kể. Số mới mắc bệnh mạch vành gia tăng khoảng 55%, đột quỵ gia tăng 59%, tiểu đường tăng 60%. Số hiện mắc tâm thần phân liệt sẽ gia tăng khoảng 34% và số hiện mắc các bệnh sa sút trí tuệ người già sẽ tăng khoảng 38%. Tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi sẽ giảm vào khoảng 25 đến 30% vào năm 2010. Các bệnh truyền nhiễm sẽ giảm nhẹ ngoại trừ bệnh lao và HIV sẽ có nguy cơ tăng mạnh mặc dù diễn tiến các bệnh tật này có thể thay đổi. Theo mức độ tăng hiện nay, đến năm 2010 mỗi năm sẽ có vào khoảng 16.000 trường hợp tử vong hàng năm và là nguy cơ đáng báo động. Kết quả của mô hình cho thấy trong mười năm tới nhà nước cần chú trọng đến việc phòng chống các bệnh Lao, nhiễm HIV và tai nạn, chuẩn bị đối phó với sự gia tăng gánh nặng bệnh tật của các bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường và tâm thần.

Summary

Forcasting health and morbidity situation in Vietnam by 2010

The forcasting the health situation in Vietnam in 2010 was based on the projected figures of demography, rate of urbanization, prevalence of risk factors (smoking, sedentary life, high fat diets, etc.) . The result showed that the Vietnamese population would be 94 millions in 2010. The incidence of coronary heart disease, stroke and diabetes would be increased by 55%, 59% and 60% respectively. Prevalence of schizophrenia and senile dementia would be increased by 34% and 38%. Prevalence of malnutrion among under five children would be between 25% and 30% by 2010. The communicable diseases would be stable, with the potential exception of the tuberculosis and HIV which might be increased unless the stronger measures are enforced.  With current trend of increasing of fatal traffic injuries, by 2010 there would be 16.000 death annually due to traffic accidence, which is alarming figure. The analysis showed that the measures for controlling tueberculosis, HIV/AIDS and injuries and measures for coping the increasing burden of cardiovascular diseases, cancers, diabetes and mental illness should be strengthened.

 

1. Ðặt vấn đề

Thời kì đổi mới đã mở ra cho dân tộc Việt Nam nhiều cơ hội mới để theo đuổi mục tiêu vì hạnh phúc và ấm no của người dân, những vận hội để có thể tăng trưởng kinh tế và bắt kịp sự phát triển chung của toàn thế giới. Tuy nhiên thời kì đổi mới cũng đặt ra nhiều thách thức đặc biệt là những vấn đề về công bằng, sự tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế của những người nghèo, ở vùng xa và vùng sâu. Hơn nữa, một nhận thức sai lầm vẫn còn phổ biến là khi một nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường thì nhà nước không cần thiết phải có sự can thiệp mạnh mẽ vào các vấn đề an sinh xã hội như trợ cấp khó khăn, giáo dục và y tế cho người dân [1]. Ðây là một quan điểm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Nhằm tạo một cơ sở lí luận vững chắc, góp tiếng nói nhằm tăng cường sự can thiệp mạnh mẽ và hợp lí của nhà nước vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân như phòng ngừa các yếu tố nguy cơ, tăng cường và bảo vệ sức khỏe của người dân và điều trị các bệnh phổ biến và quan trọng đối với người dân, nghiên cứu này được tiến hành nhằm dự báo tình hình sức khỏe của nhân dân Việt Nam từ đây đến năm 2010 tương ứng với các chiến lược y tế khác nhau của nhà nước. Sự khác biệt đáng kể về gánh nặng bệnh tật tương ứng với các chính sách khác nhau sẽ là một sự thuyết phục nhằm tăng tính tích cực của hệ thống y tế và an sinh xã hội công cộng. Số liệu này cũng là  phác thảo để chọn lựa các ưu tiên giải quyết  để nâng cao sức khỏe.

2. Phương pháp

Nghiên cứu này sử dụng mô hình dự báo dân số thời gian rời rạc và trạng thái rời rạc (discrete state, discrete time population forecasting model) [2]. Phương pháp đòi hỏi bảng sống (life table) chuẩn của Việt Nam, những mô hình yếu tố nguy cơ và xuất độ xuất hiện của bệnh tật theo tuổi và cấu trúc dân số ở các thời điểm khác nhau.

Phương pháp thành phần (component method) được sử dụng trong dự báo cấu trúc dân số với dân số Việt Nam vào năm 1994 có được qua cuộc điều tra nhân khẩu học giữa kì được chọn để làm cơ sở dự báo cấu trúc dân số trong các thời gian tiếp theo. Bảng sống được chọn để áp dụng là bảng sống từ cuộc tổng điều tra dân số 1989 với tuổi thọ của nam giới là 63 và tuổi thọ của nữ là 67. Các tỉ suất mắn đẻ đặc hiệu theo tuổi (age-specific fertility rate) được căn cứ tính dựa vào số liệu điều tra nhân khẩu học giữa kì năm 1994 [3].

Tỉ lệ dân số thành thị được ước tính dựa trên giả định tỉ lệ dân số thành thị vào năm 1989 là 21% và sẽ gia tăng 0,5% hàng năm (cho đến năm 2010).

Những thông số sức khỏe và bệnh tật được dự báo: dân số và tháp tuổi; tình hình mắc các bệnh truyền nhiễm; tình hình mắc và chết do các bệnh mãn tính: ung thư, bệnh tim mạch: bệnh mạch vành, bệnh thấp tim, bệnh mạch máu não và cao huyết áp, các bệnh phổi mãn tính,  bệnh chuyển hóa: tiểu đường và các bệnh dinh dưỡng, bệnh tâm thần và các yếu tố nguy cơ khác.

Yếu tố quyết định của các bệnh tật là tuổi, giới tính và các yếu tố nguy cơ. Những bệnh mạch vành tim được giả định có nguy cơ không đáng kể ở dưới 35 tuổi và nguy cơ gia tăng gấp 2,5 lần sau mỗi 10 năm tuổi. Tỉ lệ hiện mắc cao huyết áp được ước tính khoảng 4% ở lứa tuổi từ 20-39 tuổi; 20% ở lứa tuổi từ 40-59 tuổi; 35% ở tuổi từ 60 đến 79 tuổi và 50% ở các lứa tuổi trên 80 tuổi. Nguy cơ ung thư gia tăng 1,7 lần sau mỗi 10 năm tuổi. Nguy cơ các bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính bắt đầu từ 45 tuổi và gia tăng gấp 3 lần khi đối tượng tăng thêm 10 tuổi. Bệnh tiểu đường (type 2) có tỉ lệ hiện mắc không đáng kể ở tuổi dưới 40. Từ tuổi 40 đến tuổi 50, nguy cơ tiểu đường bắt đầu xuất hiện và nguy cơ này tăng gấp đôi ở lứa tuổi từ 50 trở lên.

Các yếu tố nguy cơ của các bệnh nhiễm trùng, bệnh tim mạch và bệnh ung thư được xem xét để đưa vào các mô hình dự báo sức khỏe năm 2010 được trình bày trong Hình 1, Hình 2.

 

Hình 1. Yếu tố nguy cơ của các bệnh truyền nhiễm quan trọng

Hình 2. Mô hình yếu tố nguy cơ của các bệnh tim mạch

Kết quả và bàn luận

 

Hình 3. Cấu trúc dân số Việt Nam năm 2009 (dân số là 94.095.00 và tuổi trung vị là 25,5 tuổi)

Tháp tuổi

Tháp tuổi của dân số Việt Nam vào năm 1994 có dạng hình tháp cho thấy phản ánh tỉ suất sinh cao và tỉ suất chết cao. Từ tháp tuổi này chúng ta có thể nhận thấy tỉ số nam:nữ cao hơn đơn vị ở các lứa tuổi trẻ nhưng tỉ số này thấp hơn đơn vị ở lứa tuổi cao trên 20 tuổi. Tỉ lệ dân số ở lứa tuổi 40 thấp cho thấy hiện tại vấn đề bệnh ung thư và tim mạch vẫn chưa đạt đến đỉnh cao. Gánh nặng do bệnh ung thư sẽ trở thành trầm trọng trong vòng 30 năm tới và gánh nặng của bệnh tim mạch sẽ chỉ đạt đến điểm dừng sau 50 năm.  Trước thời gian này, gánh nặng của bệnh ung thư và tim mạch sẽ gia tăng liên tục.

Dự báo cho thấy dân số Việt Nam vào năm 2009 là 94.095.000 người. Dân số phụ nữ là 47.469.000 người lớn hơn dân số nam giới 1.843.000 người. Dân số đô thị tăng thêm 11.575.000 người với tổng số là 26.817.000 người. Cấu trúc dân số vào năm 2009 vẫn có hình tháp (Hình 3) nhưng có đã có sự gia tăng đáng kể số người trên 40 cho thấy các bệnh mãn tính đã gia tăng gánh nặng một cách đáng kể. Yếu tố này cùng với quy mô đô thị hóa gia tăng và ảnh hưởng của lối sống không lành mạnh sẽ làm gia tăng gánh nặng bệnh tật của các bệnh mãn tính.

3.2 Bệnh mãn tính

Dự báo về những thay đổi về tình hình bệnh tật những bệnh: cao huyết áp, đột quỵ, bệnh mạch vành tim, bệnh thấp,  bệnh ung thư, bệnh tắc nghẽn phổi, tiểu đường, suy dinh dưỡng, các bệnh xương khớp, bệnh tâm thần phân liệt, sa sút tuổi già được trình bày.

Bệnh mạch vành là một bệnh tim mạch có ý nghĩa y tế công cộng quan trọng. Mặc dù tử vong do bệnh mạch vành có chiều hướng giảm sút ở các quốc gia công nghiệp. Sự giảm thiểu tử vong do bệnh tim mạch  ở các quốc gia này được giải thích là do các yếu tố nguy cơ  như hút thuốc và chế độ ăn có chiều hướng thay đổi thuận lợi đồng thời do việc nhập viện kịp thời. Tuy nhiên ở Việt Nam, quá trình công nghiệp hóa  và đô thị hóa đã làm tăng các yếu tố nguy cơ (cuộc sống ít vận động; chế độ ăn nhiều muối, nhiều mỡ và hút thuốc lá). Dự báo cho thấy chỉ với tình hình đô thị hóa, số trường hợp tử vong do mạch vành sẽ tăng 59% vào năm 2010 so với 1995. Nếu có sự gia tăng tình hình hút thuốc lá 10%, tử vong do bệnh mạch vành vào năm 2010 sẽ tăng 75%.  Bởi vì cao huyết áp là một yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành, điều trị y khoa sẽ có đóng góp vào việc giảm tử vong bệnh mạch vành. Ngược lại nếu hệ thống y tế không có hiệu quả hoặc không công bằng khiến cho tính tiếp cận được với dịch vụ y tế bị giảm bớt thì tử vong bệnh mạch vành sẽ gia tăng rất cao.

Bệnh cao huyết áp cũng gia tăng cùng với sự già hóa của dân số và quá trình đô thị hóa. Dự báo cho biết vào năm 2010, số hiện mắc cao huyết áp sẽ vào khoảng 8 triệu người tăng hơn 55% so với năm 1995. Số bệnh nhân cao huyết áp gia tăng sẽ là một gánh nặng quan trọng về mặt chi phí kinh tế đối với ngành y tế và toàn xã hội và là một thách thức đòi hỏi ngành y tế phải có sự đổi mới toàn diện để đáp ứng được nhu cầu này.

Do cao huyết áp là yếu tố quyết định quan trọng nhất của đột quỵ,  số ca tử vong và tàn phế do đột quỵ sẽ tăng khoảng 55% vào năm 2010. Tình hình đột quỵ sẽ diễn tiến xấu hơn nữa nếu tình hình nghiện rượu gia tăng hoặc mạng lưới y tế không đáp ứng được nhu cầu điều trị bệnh cao huyết áp cho rộng rãi người dân.

Bệnh thấp tim ở Việt Nam cũng như phần lớn các quốc gia khác đang có chiều hướng cải thiện do việc cải thiện điều kiện sống của người dân nói chung và do hiệu quả của các kháng sinh được sử dụng trong điều trị các bệnh viêm nhiễm hô hấp trên. Các chương trình phòng thấp cấp một và cấp hai được tiến hành ở Việt Nam được đánh giá là có tính chi phí � hiệu quả. Hơn nữa các phương tiện điều trị nội và ngoại khoa, điều trị phục hồi cũng góp phần cải thiện tình trạng của bệnh nhân bị thấp tim. Nhìn chung, tình hình bệnh thấp tim ở Việt Nam sẽ có sự cải thiện rõ rệt trừ khi có sự xuống cấp của mạng lưới y tế khiến cho những người nghèo không thể tiếp cận được đến các cơ sở điều trị y tế có hiệu quả. Tổng hợp số liệu dự báo cho thấy vào năm 2010 trong tổng số các tử vong do bệnh tim mạch tại bệnh viện, đột quỵ chiếm khoảng một phần hai, bệnh mạch vành vào khoảng một phần ba và bệnh thấp tim vào khoảng một phần tám.

Ở nhiều nước trên thế giới và quy mô toàn thế giới, gánh nặng bệnh ung thư được tiên đoán là sẽ gia tăng trong khoảng vài thập niên tới về số tuyệt đối các ca bệnh và chết và về tỉ lệ trong tổng số các gánh nặng bệnh tật. Nguyên nhân của sự gia tăng bệnh ung thư là do sự lão hóa của dân số và do sự gia tăng tỉ suất ung thư đặc hiệu theo tuổi đặc biệt là do các nguyên nhân hút thuốc lá (ung thư phổi) và lối sống phương Tây (ung thư đại trực tràng, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt).

Kết quả dự báo cho thấy ở Việt Nam, ngay cả khi nếu tỉ suất mắc ung thư đặc hiệu theo tuổi cũng tương tự như năm 1995, thì số ca ung thư hàng năm sẽ tăng 48% vào năm 2010 (cao hơn nhiều so với con số 30% là dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới về mức độ gia tăng ung thư của toàn thế giới). Nếu tính đến sự gia tăng các yếu tố nguy cơ: ăn ít chất xơ, ít rau, ăn nhiều thịt, chất béo, muối và các chất  phụ gia thực phẩm do quá trình đô thị hóa  thì số ca ung thư sẽ tăng đến 54%. Giả sử có sự gia tăng tỉ lệ hút thuốc lá 10% trong vòng 15 năm thì vào năm 2010 số ca ung thư sẽ tăng 62% so với năm 1995. Như vậy nhìn chung số ca ung thư Việt Nam có tốc độ tăng nhanh hơn tốc độ thế giới và quá trình này còn chưa kết thúc và số ca ung thư sẽ tăng nhanh hơn rất nhiều vào các thập kỉ tiếp theo. Như vậy nếu không có biện pháp phòng chống tích cực số tử vong ung thư sẽ cao hơn khoảng 15% so với nếu có biện pháp phòng chống như chống hút thuốc lá, giáo dục sức khỏe chống tăng cân, giảm ăn chất béo và ăn nhiều rau, trái cây.

Bệnh  tắc nghẽn phổi mãn tính sẽ có sự gia tăng rất cao trong vòng 10 năm tới về số trường hợp tử vong. Lí do chính của gia tăng số ca mắc bệnh tắc nghẽn phổi là sự lão hóa của dân số. Những nguyên nhân khác cũng rất quan trọng là sự gia tăng ô nhiễm không khí ở các khu vực đô thị, gia tăng hút thuốc lá và những nguy hại do tiếp xúc nghề nghhiệp. Dự báo cho thấy vào năm 2000 số trường hợp tử vong do bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính sẽ tăng thêm 92% so với năm 1995.

Bệnh tiểu đường cũng có khuynh hướng gia tăng. Tổ chức y tế thế giới dự báo  trên quy mô thế giới vào năm 2000 sẽ có 150 triệu người và vào năm 2025 sẽ có 300 triệu người mắc bệnh tiểu đường so với 135 triệu người ở năm 1995 [WHO, 1997]. Số liệu dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới về số bệnh nhân tiểu đường ở Việt Nam là  0,870 triệu, 1,015 triệu  và 2,454 triệu người vào những năm 1995, 2000 và 2015 cho thấy quy mô quan trọng  của tiểu đường ở người Việt Nam. Số liệu dự báo của chúng tôi ước tính vào năm 2010 sẽ có vào khoảng 1,376 triệu người mắc bệnh tiểu đường tăng gấp 1,6 lần so với năm 1995. Sự gia tăng này đi kèm với quá trình hiện đại hóa và già hóa dân số. Số trường hợp tiểu đường gia tăng sẽ kéo theo sự gia tăng tàn tật do tiểu đường gây nên chết và các chi phí kinh tế quan trọng nếu không có các biện pháp can thiệp thích đáng.

Suy dinh dưỡng ở trẻ em sẽ có khuynh hướng giảm xuống do sự tăng trưởng kinh tế chung của toàn quốc. Ước tính cho biết vào năm 2010 thu nhập bình quân đầu người toàn quốc là 1 300 USD. Với thu nhập bình quân này (xấp xỉ với thu nhập bình quân đầu người hiện nay của thành phố Hồ Chí Minh) tỉ lệ suy dinh dưỡng sẽ giảm đạt khoảng 25% đến 30% vào năm 2010.

Những bệnh xương khớp chủ yếu bao gồm bệnh viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp, đau thắt lưng và loãng xương, trong đó bệnh viêm xương khớp là một bệnh quan trọng nhất do tính chất phổ biến và diễn tiến mãn tính của nó. Viêm xương khớp  được ước tính sẽ gia tăng khoảng 55% vào năm 2010 so với 1995.

Bệnh tâm thần phân liệt cũng gia tăng do số người trong khoảng tuổi từ 15 đến 45 gia tăng. Ước tính đến năm 2010 số bệnh nhân tâm thần phân liệt sẽ tăng khoảng 34% so với năm 1995. Số bệnh nhân sa sút trí tuệ do tuổi già, trong đó bao gồm bệnh Alzeimer sẽ tăng vào khoảng 38%. Số ngươì bị trầm cảm chắc chắn sẽ gia tăng  do quá trình đô thị hóa sẽ dẫn đến thất nghiệp, điều kiện làm việc căng thẳng, thiếu sự ràng buộc và sự hỗ trợ của gia đình và láng giềng. Tuy nhiên mức độ gia tăng số bệnh nhân trầm cảm vẫn còn chưa xác định rõ.

3.3 Các bệnh truyền nhiễm

Tài liệu này dự báo tình hình mắc và chết những bệnh truyền nhiễm quan trọng như lao, sốt rét, tiêu chảy, nhiễm trùng  hô hấp dưới  cấp tính, sáu bệnh tiêm chủng mở rộng và nhiễm HIV. Số liệu dự báo về những bệnh nhiễm trùng có tính chính xác thấp hơn các số liệu về bệnh mãn tính do các tình hình mắc bệnh này chịu tác động rất mạnh mẽ của chương trình phòng chống và hệ thống chăm sóc y tế.

Tình hình mắc và chết do bệnh lao có diễn tiến xấu từ những năm 1990. Từ năm 1992 đến 1996, số ca mới mắc lao tăng gấp rưỡi và số chết do lao tăng gấp đôi.  Sự gia tăng này có thể là giả tạo do những năm gần đây, chương trình lao quản lí ca bệnh chặt chẽ hơn tuy nhiên điều có thể xảy ra do sự gia tăng của các yếu tố nguy cơ như  hút thuốc là và nhiễm HIV đồng thời với tính hiệu quả  và tính công bằng của hệ thống y tế bị sút giảm. Nếu  tình hình bệnh lao  tiếp tục tiến triển theo chiều hướng này đến năm 2010 số mắc lao  mới vào khoảng 120.000/năm với khoảng 3.500 tử vong.

Khác với tình hình mắc lao, trừ một số trường hợp, nhìn chung tình hình bệnh sốt rét từ năm 1986 trở về đây có diễn tiến thuận lợi. Ước tính vào năm 2010 số mắc sốt rét sẽ vào khoảng 200.000 người/năm với số tử vong vào khoảng từ 200 đến 300 trường hợp trong toàn quốc.

Về tình hình tiêu  chảy ở trẻ em dưới 5 tuổi, báo cáo của chương trình CDD cho biết chương trình đã triển khai rộng khắp Việt Nam và đã giảm đáng kể tỉ lệ mắc và chết do tiêu chảy ở trẻ em. Trong thời gian trước mắt, nguy cơ mắc tiêu chảy ở một số khu vực có thể giảm trong khi một số khu vực khác lại tăng lên. Ở một số khu vực nông thôn tình hình cung cấp nước có lẽ được cải thiện do việc thực hiện chương trình cung cấp nước sạch trong khi ở một số khu vực thành thị, những người nghèo và mới nhập cư phải cư ngụ trong hoàn cảnh khó khăn sẽ khó có thể có được nguồn nước đảm bảo. Trong tình hình môi trường và cung cấp nước sạch chưa được can thiệp triệt để trong những năm sắp tới, tình hình mắc và chết tiêu chảy sẽ tiếp tục duy trì ở mức hiện nay với trung bình 1,4 lần mắc tiêu chảy một năm ở trẻ dưới 5 tuổi. Tỉ lệ tử vong do tiêu chảy sẽ giảm do ở khu vực thành thị có sự tiếp cận tốt hơn của người dân với các dịch vụ y tế và do tình trạng dinh dưỡng chung của trẻ em được cải thiện.

Theo thống kê của chương trình ARI toàn quốc, số lần trung bình nhiễm trùng hô hấp cấp tính ở trẻ em dưới năm tuổi là 0, 32 lần trong một năm.  Con số này có thể là không chính xác do việc thu thập số liệu còn thiếu sót hoặc do chưa thống nhất về định nghĩa  một trường hợp nhiễm trùng hô hấp cấp tính. Ước đoán vào năm 2010 số trường hợp nhiễm trùng sẽ gia tăng do số trẻ dưới năm tuổi tăng vào khoảng 30%, do ô nhiễm không khí gia tăng và do tình trạng đô thị hóa và các khu vực đông dân.

Các bệnh tiêm chủng mở rộng đang có chiều hướng được khống chế tốt. Diễn tiến hiện nay của bệnh bại liệt cùng với những nỗ lực của chương trình thanh toán bệnh bại liệt sẽ cho phép chúng ta dự báo khả năng thanh toán bệnh bại liệt trước năm 2010. Cũng nhờ vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh sởi cũng sẽ được khống chế: vào khoảng năm 2010 tỉ suất mắc sởi sẽ giảm khoảng 10 lần so với hiện nay và vào khoảng  1/100.000 dân (khoảng 1000 ca sởi hàng năm). Các bệnh bạch hầu và ho gà cũng được khống chế nhưng ở quy mô thấp hơn: tỉ suất mắc bạch hầu vào năm 2000 sẽ vào khoảng 0,05 /100.000 dân và của ho gà khoảng 0,5/100.000 dân nghĩa là  chỉ giảm khoảng 5 lần so với số liệu  năm 1995. Tình hình uốn ván rốn còn diễn tiến phức tạp. Hiện nay uốn ván rốn vẫn là nguyên nhân hàng đầu của chết sơ sinh mà việc kiểm soát phụ thuộc rất nhiều vào tính bao phủ của công tác chăm sóc tiền sản và tiêm ngừa uốn ván cho phụ nữ mang thai. Ðây là một thách thức lớn của ngành y tế và việc giải quyết đòi hỏi các chính sách y tế cho bà mẹ theo định hướng công bằng.

Riêng tình hình nhiễm HIV trong tương lai vẫn còn là một ẩn số. Hiện nay có nhiều  phương án tiên đoán tình hình nhiễm HIV trong tương lai. Nhưng tất cả các phương án dự báo đều chỉ ra tính quyết định của những nỗ lực can thiệp y tế công cộng trong việc khống chế đại dịch HIV ở Việt Nam. Trong trường hợp này, bất kì sự lơ là nào cũng phải trả giá rất đắt.

3.4 Tai nạn

Tai nạn hiện là một gánh nặng bệnh tật quan trọng do tính phổ biến và do nó xảy ra chủ yếu ở lứa tuổi trẻ và trung niên là lứa tuổi có nhiều cống hiến cho xã hội. Trong thời gian hiện nay, số vụ tai nạn và đặc biệt là tai nạn giao thông có chiều  hướng tăng dần và khuynh hướng này sẽ tiếp tục trong tương lai gần khi mật độ đường giao thông và xe cộ gia tăng,  khu công nghiệp và đô thị tăng trưởng, tỉ lệ thanh niên trong dân số gia tăng trong khi nhà nước chưa có chính sách cụ thể để xây dựng cộng đồng an toàn. Ước tính vào năm 2010 dân số đô thị tăng thêm gấp 1,8 lần với tỉ lệ người sử dụng xe mô tô-gắn máy gấp rưỡi hiện nay thì số tai nạn giao thông sẽ tăng lên khoảng 2,7 lần và sẽ gây tử vong cho khoảng 16.000 người mỗi năm gấp 4,5 lần số tử vong do bệnh lao và gấp 60 lần số tử vong do bệnh sốt rét gây nên. Như vậy vấn đề tai nạn là một thách thức lớn có tính cấp bách.

Kết luận

Trong vòng mười năm tới với sự lão hóa của dân số, mức độ đô thị hóa và phát triển kinh tế, tình hình các bệnh tật mãn tính như bệnh tim mạch, đột quỵ, tiểu đường, ung thư và tâm thần sẽ gia tăng từ 40% đến 60%. Các bệnh truyền nhiễm, ngoài bệnh lao và bệnh nhiễm HIV/AIDS, có khuynh hướng ổn định. Ðặc biệt tai nạn là một gánh nặng bệnh tật ngày càng nghiêm trọng. Theo mức độ tăng hiện nay, đến năm 2010 mỗi năm sẽ có vào khoảng 16.000 trường hợp tử vong do tai nạn. Kết quả của mô hình cho thấy trong mười năm tới nhà nước cần chú trọng đến việc phòng chống các bệnh Lao, nhiễm HIV và tai nạn, chuẩn bị đối phó với sự gia tăng gánh nặng bệnh tật của các bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường và tâm thần.

 

Tài liệu tham khảo

1. Sen A (1998) Political elements in Economic Development: A tribute to Andreas G. Papandreou. The first Andreas Papandreou Memorial Lecture, The Andreas G Papandreou Foundation. Senzte Hall, the old parliament Building, Athens

2. Chiang  CL (1968) Introduction to stochastic processess in biostatistics. New York, Wiley.

3. Ðiều tra nhân khẩu học giữa kì (1995) Kết quả chủ yếu � điều tra nhân khẩu học giữa kì. Hà nội, nhà xuất bản thống kê.

4. Newell C (1995) Methods and Models in Demography. New York, John Wiley & Sons.

 


 


 

[1] Giảng viên khoa Y tế công cộng, Đại Học Y Dược TP Hồ Chí Minh