Chỉ dẫn: Bộ môn > Nghiên cứu 

Thực hành vệ sinh môi trường người dân  huyện Thuận An Tỉnh Bình Dương năm 1998

Đỗ Văn Dũng[1]

Tóm tắt

Nghiên cứu nhằm mô tả việc thực hành vệ sinh của người dân ở Huyện Thuận An tỉnh Bình Dương là một khu vực đang phát triển công nghiệp. Nghiên cứu thu thập thông tin về nguồn nước sử dụng, thực hành xử lí và sử dụng nước, loại hố xí sử dụng và phương pháp xử lí chất thải rắn của 933 hộ gia đình bằng phương pháp phỏng vấn mặt đối mặt sử dụng bộ câu hỏi có cấu trúc.

Tỉ lệ các hộ có sử dụng nước máy cao 88,3% và xử lí rác là 85,9% trong khi tỉ lệ các hộ không có hố xí còn khá cao 30,4%. Người dân cần được sự hướng dẫn để sử dụng tốt hơn nguồn nước và thay đổi các hành vi chưa phù hợp như đi cầu  ngoài đồng, sử dụng phân tươi trong nông nghiệp, vứt rác ra vườn hay ra ao hồ.  Do nhiều địa phương ở Việt nam  chuẩn bị quá trình đô thị hoá, kinh nghiệm của Huyện Thuận An cần được nghiên cứu sâu hơn.

Abstract

Practice relating to environment sanitation of people in Thuan An District, Binh Duong Province in 1998

 Do Van Dung

This study is aimed to describe the practice of people relating to environment sanitation in Thuan An district of Binh Duong Province, a region which is in the process of urbanization and industrialization.  Information about the source of water, the practice of water treatment, the latrine and solid waste treatment was collected by face-to-face interview using a structured questionnaire.

The proportion of households having running water was 88.3%, with appropriate solid waste treatment was 85.9% where as the proportion of household without latrine was up to 30.4%. People should receive health education for better utilization of water and change the inappropriate practice such as defecating directly onto the fields, littering solid waste onto backyard or into the ponds.  There are going to be many localities in Vietnam in the process of industrialization, the experience of Thuan An should be carefully undertaken.

 

Mở đầu

Hiện nay ở các quốc gia đang phát triển, vệ sinh hoàn cảnh vẫn là yếu tố quyết định quan trọng của sức khoẻ người dân. Thực hành vệ sinh không phù hợp là tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây truyền theo đường phân miệng , các bệnh do thiếu nước rửa như , và các bệnh do vector truyền. Vì vậy an toàn môi trường được xem là yếu tố hàng đầu để tăng cường sức khoẻ.1

Năm 1998, dưới sự tài trợ của dự án  Việt nam  - Hà lan “Đẩy mạnh giảng dạy ở 4 trường y ở Việt nam”, bốn trường Đại Học Y Khoa, Đại học Y Hà nội, Đại Học Y Huế, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh và Khoa Y Đại học Cần Thơ đã tiến hành một nghiên cứu liên trường nhằm thu thập một cách có hệ thống các vấn đề sức khoẻ và các yếu tố quyết định sức khoẻ, bao gồm các thực hành vệ sinh của người dân,  ở các khu vực địa lí sinh thái khác nhau.  Mặc dù ở Việt nam đã có nhiều công trình nghiên cứu về thực hành vệ sinh  của người dân, ít có công trình nghiên cứu một cách có hệ thống thực hành vệ sinh  của người dân sử dụng mẫu ngẫu nhiên. Vì vậy trong bài báo này chúng tôi báo cáo kết quả của nghiên cứu thực hiện ở Huyện Thuận An, Tỉnh Bình Dương trong khuôn khổ của nghiên cứu liên trường nhằm mục tiêu mô tả thực hành vệ sinh liên quan đến việc sử dụng nguồn nước, xử lí phân và rác và thực hành sử dụng thuốc trừ sâu an toàn.

Phương pháp

Báo cáo này phản ánh một phần trong nghiên cứu tổng thể (được gọi là nghiên cứu liên trường) nhằm xác định các vấn đề sức khoẻ và các yếu tố quyết định sức khoẻ trên dân số mục tiêu là toàn bộ người dân Việt nam.

Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh tiến hành nghiên cứu trên địa bàn huyện Thuận An, tỉnh Bình dương với dân số mục tiêu là huyện Thuận An. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu hi vọng số liệu sẽ góp phần hiểu rõ tình hình vệ sinh môi trường ở khu vực miền Đông Nam bộ.

Đơn vị chọn mẫu là hộ gia đình. Cỡ mẫu được chọn trong nghiên cứu là 900 hộ. Cỡ mẫu này là phù hợp để ước lượng bất kì tỉ lệ nào với sai số của khoảng tin cậy 95% nhỏ hơn 3%. Mẫu được chọn theo phương pháp chọn mẫu nhiều bậc: bước một chọn 6 xã theo phương pháp xác suất tỉ lệ với quy mô xã, bước hai chọn mỗi xã 5 ấp theo phương pháp xác suất tỉ lệ với quy mô ấp,  bước ba chọn một điểm xuất phát ngẫu nhiên ở mỗi ấp và điều tra nhà liền nhà cho đủ 30 hộ trong mỗi ấp.

Các biến số sử dụng cho phần nghiên cứu về thực hành bao gồm các biến số về kinh tế xã hội, về nguồn nước và xử lí nước, về phương tiện vệ sinh, về xử lí phân rác, về sử dụng thuốc trừ sâu an toàn. Nghiên cứu cũng thu thập các thông tin về kiến thức  và niềm tin của người dân về các bệnh tật do nước và môi trường kém vệ sinh gây ra. Số liệu được thu thập bằng phương pháp phỏng vấn mặt đối mặt sử dụng một bộ câu hỏi có cấu trúc. Điều tra viên là những nhân viên y tế của trạm y tế được tập huấn trong 2 ngày và việc thu thập số liệu được tiến hành dưới sự giám sát của các cán bộ giảng trường Đại Học Y Dược TP Hồ Chí Minh.

Số liệu được nhập với phần mềm Epi-Info 6.042 và được phân tích thống kê trên phần mềm Stata 6.0.3 Do tất cả các biến số đều là định tính nên các biến số được mô tả bằng phân phối tần suất và khoảng tin cậy 95% của tỉ lệ khi phù hợp. Để kiểm định mối quan hệ giữa các biến số kiểm định chi bình phương được sử dụng với ngưỡng ý nghĩa là 5%.

Kết quả

1. Mô tả dân số

Điều tra được tiến hành từ ngày 2 tháng 11 năm 1998 cho đến hết ngày 27 tháng 12 năm 1998 ở 5 xã: Bình Nhâm, An Phú, An Thạnh, Tân Đông Hiệp, Đông Hoà và thị trấn Lái thiêu của huyện Thuận An tỉnh Bình Dương. Có 933 hộ được đưa vào nghiên cứu.  Đặc tính dân số và kinh tế xã hội của dân số điều tra được trình bày trong bảng 1.

Bảng 1. Tình trạng kinh tế xã hội của 933 hộ được điều tra về thực hành vệ sinh

Tình trạng kinh tế xã hội

Tần suất

Số người trong hộ:         1/ 2/ 3/ 4/ 5/ 6 +

71/ 116/ 173/ 206/ 162/ 203

Số thế hệ trong hộ:         1/2/3

180/524/219

Lương thực:                  Thiếu ăn nhiều/Thiếu ăn ít/Đủ ăn/Dư ăn

38/120/729/8

Thu nhập chính: Lúa/Vườn/chăn nuôi/ lương/buôn bán/khác

28/57/38/353/208/139

Kinh tế:             Đói/Nghèo/ Trungbình/Giàu

11/192/677/22

Nhà ở:              Nhà tạm/ Tranh/ Ngói/ Ngói-Gạch/ Mái bằng/Khác

55/58/176/596/13/15

Như vậy, hộ gia đình tiêu biểu của nghiên cứu gồm 2 thế hệ với 4 người sinh sống trong hộ, đủ ăn, kinh tế trung bình, sống bằng nghề lương hoặc buôn bán và ở nhà ngói hoặc nhà ngói gạch.

2. Hành vi sử dụng nước

Trong 933 bộ câu hỏi, có 929 bộ câu hỏi ghi nhận được loại nguồn nước sử dụng cho tắm giặt và 925 ghi nhận về nguồn nước uống. Nguồn nước tắm giặt chủ yếu là nước máy (836 trường hợp) và nước giếng khơi (97 trường hợp). Chỉ có một trường hợp sử dụng nước mưa trong tắm giặt. Nguồn nước dùng để ăn uống cũng chủ yếu là nước máy (824 trường hợp), nước giếng khơi (95 trường hợp)  và chỉ có 2  trường hợp sử dụng nước mưa.  Tỉ lệ sử dụng nước máy ở nhóm có kinh thế thấp thấp hơn ở nhóm đủ ăn nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (Bảng 2)

Bảng 2. Tỉ lệ sử dụng nước máy theo tình trạng kinh tế gia đình  (p<0,001)

Tình trạng kinh tế xã hội

Dùng nước máy (tỉ lệ)

Có hố xí

Tổng số

Thiếu ăn nhiều

31 (81,6%)

7

38

Thiếu ăn ít

101 (84,2%)

19

120

Đủ ăn

652 (89,4%)

77

729

Dư thừa

8 (100%)

0

8

Không xác định

5 (83,3%)

1

6

            Tổng cộng

797 (88,5%)

104

901

 

Có sự liên quan giữa nguồn nước để tắm giặt và nguồn nước ăn uống: 13 trường hợp chỉ sử dụng  nước máy trong ăn uống, 8 trường hợp chỉ sử dụng trong tắm giặt và 811 sử dụng cho cả hai mục đích (p<0,001).

Phần lớn các hộ sử dụng nước không qua xử lí (734 trường hợp) chỉ có 94 hộ xử lí nước bằng lóng phèn và 54 hộ xử lí nước bằng bình lọc. Tỉ lệ xử lí nước bằng lóng phèn  và xử lí nước bằng lọc  không khác nhau ở nhóm có nước máy và không có nước máy (p=0,307 và p=0,314).

Về việc sử dụng nước cho mục đích ăn uống, có một tỉ lệ người dân dùng nước lã là 28,5% (266 trường hợp), dùng nước đun sôi là 73,7% (688 trường hợp) và dùng bình lọc là 3,9% (36 trường hợp). Có sự liên hệ ngược giữa đun sôi nước và sử dụng bình học: tỉ lệ dùng bình lọc trong nhóm dùng nước lã là 10,6% và trong nhóm đun sôi nước là 1,5% (p<0,001)

Về loại nguồn nước sử dụng trong rửa rau có 216 hộ không trả lời, 412 hộ (44,2%) dùng nước lã, 303 hộ  (32,5%) dùng nước muối, và 44 hộ  (4,7%) dùng thuốc tím. Không có sự khác biệt giữa tỉ lệ sử dụng dùng nước lã để rửa rau giữa các hộ sử dụng nguồn nước máy và hay nguồn giếng khơi (p=0,318).

3. Hành vi xử lí chất thải

Trong dân số điều tra có đến 284 hộ (30,4%) không có hố xí. Mặc dù  tỉ lệ này thấp hơn tỉ lệ toàn quốc nhưng là khá cao đối với khu vực có đa số nhà là nhà ngói hay nhà ngói-gạch. Có sự tương quan giữa tình trạng. Có sự tương quan giữa tình trạng kinh tế và việc sở hữu hố xí (Bảng 3). Tuy cũng cần lưu ý có một hộ gia đình dư ăn nhưng không có hố xí.

Bảng 3. Tỉ lệ không có hố xí theo tình trạng kinh tế gia đình  (p<0,001)

Tình trạng kinh tế xã hội

Không có hố xí (tỉ lệ)

Có hố xí

Tổng số

Thiếu ăn nhiều

20 (52,6%)

18

38

Thiếu ăn ít

57 (47,5%)

63

120

Đủ ăn

193 (26,5%)

536

729

Dư thừa

1 (12,5%)

7

8

Không xác định

1 (16,7%)

5

6

Các loại hố xí phổ biến gồm hố xí dội thấm 355 (38%), hố xí thùng 143 (15,33%) và hố xí tự hoại 109 (11,7%). Ngoài ra có 20 hộ sử dụng cầu tiêu ao cá và 11 hộ sử dụng hố xí hai ngăn. Cần lưu ý hố xí thùng và cầu tiêu ao cá không được xem là loại hố xí đạt yêu cầu về mặt vệ sinh.

Các hộ gia đình không có hố xí thường sử dụng nhờ của hàng xóm 83 hộ (8,9%) đi cầu ngoài đồng 71 hộ (7,6%), đi cầu ở vườn 29 hộ (3,1%). Ở những người không có hố xí, không có sự khác biệt tỉ lệ đi cầu ngoài đồng theo tình trạng kinh tế gia đình. Lí do không có hố xí được nêu ra là do không có đủ tiền (263 hộ); không có chỗ (104 hộ) hay không thấy cần thiết (55 hộ). Nguyên nhân không có tiền thường được viện dẫn bởi những hộ thiếu ăn. Ở các hộ đủ ăn lí do là không có tiền được nêu bởi 178 hộ ; không có chỗ bởi 76 hộ  và không cần thiết là do 44 hộ.

Chỉ một số ít gia đình dùng phân tươi trong sản xuất kinh tế. Chủ yếu cho mục đích nuôi cá 22 trường hợp, trồng lúa 7 trường hợp, làm vườn 10 trường hợp và trồng rau 2 trường hợp.

Có 866 hộ (92,8%) có sử dụng biện pháp xử lí rác trong đó cao nhất là đốt rác  với 658 hộ (70,5%), dùng hố ủ rác với 208 hộ (22,3%). Một số ít các hộ xử lí bằng cách đổ ra vườn với 44 hộ , vứt ra ao hồ với 18 hộ hay đổ vào chuồng heo với 12 hộ.

Bàn luận

1. Tính đại diện của dân số

Do việc chọn mẫu xác suất, dân số nghiên cứu đại diện cho cộng đồng nhân dân Huyện Thuận An tỉnh Sông Bé là một khu vực trên quá trình đô thị hoá, nơi có nhiều khu công nghiệp và gần sát thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù mẫu nghiên cứu này không đại diện cho khu vực Đông Nam bộ, nó phản ánh một khu vực đang trong quá trình chuyển tiếp từ kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp. Nghiên cứu cung cấp những kiến thức về những vấn đề môi trường cần phải đối phó trên con đường công nghiệp hoá và đô thị hoá, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Bộ.

2. Hành vi sử dụng nước

Tỉ lệ người dân được cung cấp nước máy chiếm tỉ lê khá cao 88,3% tương tự như các khu vực đô thị khác ở Việt nam và cao hơn hẳn tỉ lệ người dân sử dụng nước sạch trên toàn quốc là 50,5%.4 Tỉ lệ người dân có nước máy cao do Thuận An năm gần thành phố Hồ Chí Minh và là khu vực đang công nghiệp hoá. Tỉ lệ người dân sử dụng nước máy cao ngay cả đối với người thiếu ăn cho thấy cung cấp nước sạch là một nhu cầu thiết yếu mà người dân chấp nhận và chi trả được.

Tỉ lệ người dân lóng phèn nước máy (9,8%) tương tự với tỉ lệ người dân lóng phèn nước giếng khơi (12,8%) (p=0,307).  Điều này chứng tỏ người dân chưa hoàn toàn hiểu biết được về các đặc tính của nước máy, do việc sử dụng nước máy còn mới mẻ đối với họ. Về mặt y tế, việc lóng phèn với nước máy không những không có lợi mà có thể làm tăng nguy cơ ô nhiễm hoá học và ô nhiễm vi sinh đối với nước máy. Tỉ lệ người dân dùng nước giếng khơi để rửa rau  sống còn khá cao 44% cũng là vấn đề cần phải quan tâm.

Một bộ phận người dân dùng bình lọc nước và họ  xem lọc nước là một biện pháp diệt khuẩn thay thế cho việc đun sôi nước. Vì vậy chất lượng bình lọc  cũng cần phải được kiểm soát để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

3. Hành vi xử lí chất thải

Một đặc điểm về vệ sinh môi trường của huyện Thuận An là trong khi tình trạng kinh tế của người dân được cải thiện và tỉ lệ sử dụng nước máy cao, một bộ phận quan trọng người dân không có hố xí (30,4%) và tỉ lệ người dân có hố xí có liên quan chặt đến tình trạng kinh tế.  Cùng với một tỉ lệ lớn người dân cho rằng lí do chính khiến họ không xây dựng cầu tiêu là do không có tiền (263 hộ), điều này phản ánh việc có hố xí cho gia đình còn chưa được xem là nhu cầu cấp thiết đối với người dân và  còn vượt quá khả năng chi trả của nhiều người. Nó cũng thể hiện Thuận An là một khu vực nông nghiệp vừa được công nghiệp hoá nên trình độ nhân thức của người dân và kinh tế của người dân còn chưa kịp thay đổi.  Sự chưa thích ứng của người dân đối với quá trình đô thị hoá còn phản ánh ở điểm người dân biện minh lí do không có hố xí hợp vệ sinh là do không có đất trong khi lẽ ra càng thiếu đất thì nhu cầu xây dựng hố xí càng lớn. Tỉ lệ người dân có hố xí hợp vệ sinh (hố xí dội thấm và hố xí tự hoại) cũng còn thấp.

Một số người dân vẫn còn sử dụng phân tươi trong sản xuất nông nghiệp và đặc biệt trong việc trồng rau là một vấn đề vệ sinh cần phải được giải quyết dứt điểm.

Tỉ lệ các hộ có xử lí rác phù hợp chiếm tỉ lệ cao chứng tỏ việc xử lí rác được người dân chấp nhận vì ít tốn kém. Tuy nhiên biện pháp đốt rác chỉ phù hợp cho các khu vực nông thôn và không phù hợp cho khu vực đô thị tập trung vì tạo ra ô nhiễm không khí. Một số hộ vẫn còn có hành vi vứt rác ra vườn và ra ao hồ cần được giáo dục để thay đổi hành vi.

Tóm lại, huyện Thuận An tỉnh Bình Dương là một huyện gần thành phố Hồ Chí Minh đang ở trên quá trình đô thị hoá và công nghiệp hoá nên thiếu sự cân đối giữa cấp nước và xử lí chất thải, giữa điều kiện kinh tế và hành vi vệ sinh và giữa thực hành và nhận thức. Điều này là quy luật của quá trình đô thị hoá và được gọi là sự chuyển giao của văn hoá nông thôn vào môi trường đô thị (transfer of rural culture into the urban environment).5 Tỉ lệ người dân sử dụng nước máy cao 88,3% trong khi tỉ lệ các hộ không có hố xí còn khá cao 30,4%.  Người dân cần được sự hướng dẫn để sử dụng tốt hơn nguồn nước và thay đổi các hành vi chưa phù hợp như đi cầu  ngoài đồng, sử dụng phân tươi trong nông nghiệp, vứt rác ra vườn hay ra ao hồ. Nhà nước cần đầu tư để cải thiện tính có thể chi trả của các công trình vệ sinh. Ngoài ra đối với  quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá của từng địa phương, việc chuẩn bị về cơ sở hạ tầng và tuyên truyền cho việc xử lí tốt chất thải là một điều cần thiết.6

Tài liệu tham khảo

1. Last JM. The Scope, Goals and Methods of Public health. Trong: Public Health and Human Ecology. Connecticut, Appleton & Lange, 1987, p1-24.

2. Dean AG, Dean JA, Coulombier D, Brendel KA, Smith DC, Burton AH, Dicker RC, Sullivan K, Fagan RF, Arner TG. Epi Info, Version 6: A Word-Processing, Database, and Statistics Program for Public Health on IBM-compatible Microcomputers. Centers for Disease Control and Prevention, Atlanta, Georgia, U.S.A., 1995.

3. Statcorp. Stata Statistical Software: Release 6.0. College Station, TX: Stata Corporatin, 1999.

4. Bộ Y tế. Niên giám thống kê y tế 1999. Phòng thống kê tin học - Bộ Y tế, Hà nội, 1999.

5. Rossi-Espagnet A, Goldstein GB, Tabibzadeh I. Selected Health Problem. In: Urbanization and health in the developing countries: A challenge for health for all. WHO statistics quarterly 1991; 44(4): 208-233.

6. Rossi-Espagnet A, Goldstein GB, Tabibzadeh I. The urbanization and the urban enviroment. In: Urbanization and health in the developing countries: A challenge for health for all. WHO statistics quarterly 1991; 44(4): 198-203.

 


 

[1] Tiến sĩ, Bác sĩ, Giảng viên Bộ môn Thống kê y học và Tin học, khoa Y tế Công cộng, Đại Học Y Dược TP Hồ Chí Minh