Chỉ dẫn: Bộ môn > Nghiên cứu 

NGHIÊN CỨU PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH SỨC KHỎE BỆNH TẬT CỦA VIỆT NAM TRONG THỜI KÌ ÐỔI MỚI

Nguyễn Ðình Hối, Trương Ðình Kiệt, Ðỗ Văn Dũng[1]

Tóm tắt

Phương pháp hồi cứu tài liệu được sử dụng để mô tả tình hình sức khoẻ ở Việt nam kể từ sau đổi mới. Số liệu y tế,  được phân tích với mô hình các yếu tố quyết định sức khoẻ Dahgren-Whitehead, cho thấy do cải thiện về kinh tế và cung cấp thực  phẩm, do việc đẩy mạnh các chương trình y tế quốc gia tỉ suất chết trẻ em, tỉ suất mắc của các bệnh truyền nhiễm đã giảm đáng kể. Tuy nhiên các mặt trái của kinh tế thị trường, hiện tượng đô thị hoá và lão hoá dân số làm gia tăng đáng kể các yếu tố nguy cơ của các bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường và đặc biệt là tai nạn giao thông. Mặc dù các chỉ số tổng hợp về tình hình sức khoẻ như tuổi thọ có cải thiện nhưng sự gia tăng các bệnh mãn tính và tai nạn nếu không được kiểm soát sẽ cản trở việc tăng cường sức khoẻ trong thập kỉ tiếp theo.

Summary

Analytic descriptive the health situation in Vietnam during Doimoi

The restrospective method was used to summarize the health situation in Vietnam since Doi moi (economic transition). The health data, analyzed with the model of health determinants of Dahgren-Whitehead, showed that due to the improved economic situation, better food production and well performed national health programs the infant mortality as well as the incidence  of most of communicable diseases have been decreasing. However the negative aspects of market economy, the urbanization and the population aging has increased significantly the risk factors responsible for cardiovascular diseases, cancers, diabetes and traffic injuries. Although the composite health indices,  like life expectancy, have been improved, the increasing of chronic diseases as well as traffic injuries  will hamper the health progress if it is not well controlled.

 

I. Ðặt vấn đề

Thập kỉ 1990 đánh dấu sự chuyển mình của Việt Nam sau những cải cách kinh tế được khởi xướng từ nửa cuối của thập niên 1980 và bước vào giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng và bền vững. Sự tăng trưởng kinh tế trên quy mô rộng lớn và sự đổi mới về nhận thức đã có tác động mạnh mẽ đến nhiều khía cạnh của xã hội và ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của người dân, bao gồm cả những thay đổi về sức khỏe. Tác động của công cuộc đổi mới đến sức khỏe thông qua những biến đổi của các yếu tố tác động sức khỏe (health determinant factors) cũng như sự thay đổi của hệ thống chăm sóc y tế (health care system).

Việt Nam là một nước đang phát triển thuộc nhóm các nước nghèo nhất trên thế giới, nhưng chính trong thời gian chiến tranh lại có thể tự hào "cả quốc gia là một đề án chăm sóc sức khỏe ban đầu được thiết kế tốt" [1]. Tuy nhiên vào khoảng thời gian từ 1975 đến 1985, nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài thống nhất rằng chất lượng chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam bị thấp và sa sút [2]. Ngân sách dành cho y tế thấp, nhân viên y tế không được trả đủ lương, chất lượng chăm sóc sa sút, số liệu về các cơ sở y tế bị sai lạc, khái niệm chăm sóc sức khỏe ban đầu chưa được nhận thức rộng rãi, v.v. Sau thời kì đổi mới, tình hình sức khỏe và chăm sóc y tế đã được cải thiện rõ rệt và toàn diện [3]. Tuy nhiên những số liệu khoa học để chứng minh nhận định này còn chưa được tập trung. Chúng ta cũng chưa phân định những thay đổi của các yếu tố tác động và những thay đổi nào của ngành y tế đã quyết định tình trạng sức khỏe của người dân hiện nay và qua đó chúng ta có thể xác định diễn tiến của mô hình bệnh tật hiện nay và trong tương lai. Ðây là thông tin rất quan trọng giúp chúng ta có thể chủ động trong việc đề xuất các chính sách y tế thích hợp.

Vì vậy, nghiên cứu này nhằm tập trung đánh giá sự phát triển sức khỏe, vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về tình hình y tế Việt Nam trong thời kì đổi mới với các mục tiêu chính:

1. Nêu diễn tiến các chỉ tiêu tổng hợp về sức khỏe và các chỉ tiêu của các bệnh phổ biến ở Việt Nam.

2. Xác định những thay đổi của các yếu tố tác động sức khỏe và xác định mối liên hệ giữa sự thay đổi này và những thay đổi của sức khỏe.

Kết quả nghiên cứu sẽ là một trong những cơ sở khoa học giúp các nhà hoạch định chính sách trong việc đánh giá những tác động tích cực của công cuộc đổi mới lên sức khỏe giúp đồng thời chỉ rõ những ảnh hưởng tiêu cực có thể có để có thể khắc phục kịp thời.

II. Phương pháp

Ðây là một nghiên cứu phân tích mô tả những thay đổi về sức khỏe và yếu tố nguy cơ của Việt Nam, chủ yếu trong khoảng thời gian từ 1975 đến nay. Mặc dù trong bài báo này, sức khỏe được hiểu một cách toàn diện, nhưng do sự hạn chế về số liệu được thu thập, sức khỏe được đánh giá thông qua các chỉ số: tuổi thọ, số năm sống bị mất, các tỉ suất tử vong, các tỉ suất mắc và chết của các bệnh không truyền nhiễm phổ biến như thiếu máu cơ tim, đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư, cao huyết áp, tiểu đường, thiếu máu thiếu sắt, suy dinh dưỡng, bướu cổ  và các bệnh truyền nhiễm phổ biến như nhiễm trùng hô hấp, lao phổi, tiêu chảy, sốt rét, HIV/AIDS, viêm gan siêu vi B, sởi và các bệnh tiêm chủng mở rộng khác.

Hình 1. Những thay đổi yếu tố tác động sức khỏe và sức khỏe trong thời kì đổi mới.

Mô hình các yếu tố tác động sức khỏe của Dahlgren & Whitehead [4]được sử dụng để phân tích phát triển sức khỏe và bao gồm các yếu tố có thể biến đổi (modifiable) và không thể biến đổi (non-modifiable factors). Những yếu tố có thể biến đổi bao gồm: các yếu tố cấu trúc thấp như hòa bình, ổn định chính trị, phát triển kinh tế và công bằng, các yếu tố cấu trúc cao khâủ phần ăn, nước sạch, nhà cửa, y tế, giáo dục, các yếu tố về lối sống như thuốc lá, rượu, tình dục, ma túy, lạm dụng thuốc, và các mạng lươí xã hội. Những yếu tố không có thể biến đổi bao gồm tuổi, giới tính và yếu tố di truyền. Tác động của các yếu tố lên sức khoẻ được trình bày trong Hình 1.

Có hai nguồn số liệu chính: các số liệu thứ cấp và số liệu điều tra. Các nguồn số liệu  thứ cấp chủ yếu  là các số liệu về bệnh tật từ các cơ sở y tế (facility-based data) hoặc từ các  cuộc điều tra  trên quy mô cộng đồng (population-based data) về tỉ lệ lưu hành (prevalence) của một số bệnh tật và các yếu tố quyết định sức khỏe. Số liệu tử vong  của một số xã thuộc miền Ðông Nam bộ, Tây Nam bộ, Duyên hải miền Trung và Tây nguyên được thu thập để đánh giá số năm sống bị mất.  Do phần lớn các số liệu thứ cấp chưa được phân tầng theo tuổi, giới tính và trình độ văn hóa nên việc đánh giá, tính công bằng của phát triển sức khỏe ở Việt Nam trong bài báo chưa được toàn diện.

Ðể mô tả tính khuynh hướng, sự thay đổi của chỉ số theo năm được trình bày bằng đồ thị. Nếu sự thay đổi của chỉ số sức khỏe chịu nhiều tác động ngẫu nhiên, thuật toán làm trơn  trung vị chạy (moving median) sẽ được sử dụng để thấy rõ khuynh hướng chính của chỉ số.

III. Kết quả và bàn luận

3.2. Những thay đổi sức khỏe bệnh tật

3.2.1. Các chỉ số sức khỏe tổng quát

3.2.1.1. Tử vong sơ sinh

Thời gian trẻ sơ sinh (28 ngày sau khi sinh) là quảng đời nguy hiểm với nhiều nguy cơ về bệnh tật và tử vong. Một cuộc điều tra tiến hành ở các tỉnh Vĩnh Phú, Bình Trị Thiên và Hậu giang vào năm 1989 khảo sát 9149 trẻ sơ sinh cho thấy tỉ lệ tử vong sơ sinh là 7,6/1000. Những nguyên nhân tử vong sơ sinh quan trọng là uốn ván rốn (40%), sang chấn lúc sanh (35%), viêm phổi (12,5%) và bệnh tật bẩm sinh (12,3%) [5]

3.2.1.2 Tỉ suất tử vong trẻ em

Ở trẻ em dưới 1 tuổi những bệnh tật chủ yếu là viêm hô hấp cấp tính, tiêu chảy, sốt rét và các bệnh tiêm chủng mở rộng. Trên phân nửa tử vong trẻ em dưới 1 tuổi là  do viêm hô hấp cấp tính (33%) và tiêu chảy  (25%) và yếu tố nguy cơ tử vong quan trọng nhất là suy dinh dưỡng [5].

Mặc dù các ước lượng về  tỉ suất tử vong trẻ em không thống nhất, người ta đều thống nhất tỉ suất tử vong trẻ em giảm đáng kể trong những năm gần đây. Nguyên nhân chính là tình hình giảm đáng kể số chết do tiêu chảy và tình trạng dinh dưỡng của trẻ được cải thiện.

Vấn đề không công bằng cũng thể hiện qua số liệu tử vong trẻ em. Ở vùng núi phía Bắc và vùng Tây nguyên tỉ suất chết trẻ em rất cao so với con số ở vùng Ðông Nam bộ có kinh tế phát triển (55,7%0 so với  36,2%0) [6]

3.1.1.3. Tử  vong bà mẹ

Tỉ suất tử vong bà mẹ được đánh giá rất thay đổi. Năm 1990, báo cáo thường kì của bộ y tế cung cấp con số 110/100.000 lần sinh sống trong khi đó cũng tại năm này, một cuộc điều tra cũng  của Bộ y tế báo cáo tỉ suất tử  vong bà mẹ  là 220/100.000 sinh sống. Dù vậy hầu hết các nguồn số liệu đều thống nhất tỉ suất này đang giảm, mặc dù chậm [5]

Số liệu bệnh viện cho thấy những nguyên nhân bệnh tật và tử vong chính là băng huyết, nhiễm trùng hậu sản, sản giật, uốn ván và vỡ tử cung (5 tai biến sản khoa). Những bệnh tật khác gồm nhiễm trùng tiểu, tăng huyết áp, nhiễm trùng, sốt rét và thiếu máu trong thai kì.

Những nguyên nhân tử vong mẹ có thể phòng tránh được một phần lớn nếu bà mẹ đi khám thai đầy đủ và sanh đẻ tại các cơ sở y tế. Nghiên cứu sức khỏe bà mẹ ở một số vùng trọng điểm [6] cho thấy 90% bà mẹ sinh con tại trạm y tế. Tuy nhiên trên thực tế tỉ lệ sanh con tại trạm y tế thay đổi theo khu vực địa lí và dân tộc của người dân.  Ở một số vùng núi, do trạm y tế quá xa, do không có tiền hay do tập quán người dân không đến các cơ sở y tế để sanh đẻ và do đó tỉ suất tử vong bà mẹ cao gấp 4 lần so với vùng đồng bằng [7]. Như vậy chính những người dân thiệt thòi này là những người cần đến sự chăm sóc tốt  hơn của y tế.

3.1.1.4. Tuổi thọ

Trong thời kì đổi mới, tuổi thọ người dân Việt Nam được ước tính sẽ tăng đáng kể do những tác động của cải thiện dinh dưỡng, của giảm tỉ suất tử vong trẻ em và tử vong do các bệnh nhiễm trùng trùng như  tiêu chảy, sốt rét, sởi. Tuy nhiên dựa trên một nguồn số liệu về tuổi thọ được công bố (Bảng  4), một số nhà khoa học phương Tây từ chối lập luận hợp lí này..

Bảng 1. Kì vọng sống lúc sinh theo các thời kì khác nhau (Nguồn: Mortality in the world: Trends and Prospects)

Năm

1970-1975

1986

1989

1990-1995

Nam

50,3

62,0

63,0

63,0

Nữ

50,3

66,0

67,5

67,5

Dựa trên nhận xét tuổi thọ chỉ tăng 1,5 trong suốt 10 năm đổi mới tương phản lại sự gia tăng tuổi thọ khoảng 12-15 tuổi trong khoảng thời gian từ 1975 đến 1985, những nhà khoa học này cho rằng quá trình đổi mới có tác động bất lợi lên phát triển sức khỏe. Lập luận chính của chúng tôi để bác bỏ những ý kiến này là tuổi thọ được ước tính vào năm 1986 là chưa chính xác và sau đây là những lí do khiến chúng tôi tin vào điều đó:

a) Về yếu tố quyết định sức khỏe: Như đã trình bày ở trên trong thời kì từ 1975 đến 1986, các yếu tố quyết định sức khỏe hết sức không thuận lợi: tình hình chiến tranh Tây Nam, thu nhập người dân  và sản lượng lương thực thấp, hệ thống y tế không hoạt động tốt, chi tiêu ngân sách cho các hoạt động phúc lợi bị hạn chế, các chương trình y tế quốc gia chưa triển khai nên sự phát triển sức khỏe không thể thuận lợi vào thời gian đó. Trong đổi mới, các yếu tố quyết định sức khỏe thuận lợi hơn (trừ một số các yếu tố có tác động âm tính nhưng chậm như hút thuốc lá) nên chắc chắn sự phát triển sức khỏe sẽ tốt hơn.

b) Về số liệu bệnh tật: Nếu chúng ta tin vào số liệu về thay đổi tình hình bệnh tật và nhất là vào mức độ giảm tỉ suất chết trẻ em (từ 90‰ năm 1980 xuống 37‰ năm 1992) thì tuổi thọ trong giai đoạn đổi mới phải tăng đáng kể.

c) Khả năng sai lệch của số liệu trước thời kì đổi mới: số liệu về tử vong trẻ em năm 1980 do Bộ y tế cung cấp thấp hơn số liệu do các tổ chức quốc tế ước tính (35‰ so với 90‰)  phù hợp với nhận định của một số nhà khoa học cho rằng việc thu thập số liệu sức khỏe trong thời kì có chất lượng thấp [2].

Nhìn chung, chúng tôi nhận định rằng một ước tính của Tổ chức y tế thế giới cho rằng tuổi thọ của người Việt Nam tăng 9 năm trong thời gian từ 1980 đến 1995 là hợp lí hơn [8].

3.1.1.5 Số năm mất

Kết quả nghiên cứu gánh nặng bệnh tật [9] cho thấy những nguyên nhân gây mất số năm sống nhiều nhất là tai nạn, bệnh nhiễm trùng, bệnh lí sơ sinh, tự tử, bệnh tim mạch, bệnh ung thư.

Tai nạn là gánh nặng y tế quan trọng nhất do nó xảy ra ở lứa tuổi trẻ từ  15 đến 49 tuổi. Do lứa tuổi này có hiệu quả sinh lợi lớn nhất cho xã hội và gia đình, tử  vong ở lứa tuổi đó sẽ gây tổn thất về mặt kinh tế và tinh thần cho xã hội và gia đình. Hơn nữa phần lớn các tử vong do tai nạn là có thể đề phòng được, chính sách y tế cần phải đặt ưu tiên vào việc phòng ngừa  các bệnh tật và tử vong do tai nạn.

Bệnh nhiễm trùng là gánh nặng quan trọng thứ nhì, do đó cũng là một ưu tiên quan trọng. Hơn nữa nếu việc phòng chống bệnh truyền nhiễm không được coi trọng thích đáng thì nguy cơ xuất hiện dịch bệnh và gánh nặng bệnh truyền nhiễm sẽ gia tăng. Kết quả này cho thấy mô hình bệnh tật của nước ta chủ yếu vẫn còn là mô hình bệnh của nước đang phát triển.

Tự tử và bệnh tật sơ sinh cũng là những nguyên nhân gây mất năm sống quan trọng. Do tử vong sơ sinh phần lớn do bệnh uốn ván và do sang chấn lúc sanh, việc chăm sóc tiền sản tốt sẽ giảm đáng kể  gánh nặng bệnh tật này.

Các bệnh tim mạch và ung thư chưa phải là ưu tiên cao xét về gánh nặng bệnh tật mặc dù trong tương lai quy mô của các bệnh này sẽ gia tăng. Do việc điều trị thường khó khăn và tốn kém, ưu tiên của chính sách y tế nên tập trung vào việc phòng chống bệnh ung thư và tim mạch, chủ yếu là thông qua các chiến dịch chống hút thuốc lá và cổ vũ chế độ ăn uống lành mạnh.

Do không có số liệu về số năm sống bị mất ở các thời kì trước đây nên nghiên cứu này không thể trình bày khuynh hướng thay đổi của số năm sống bị mất. Tuy nhiên, kết hợp những phân tích gánh nặng bệnh tật hiện nay và diễn tiến bệnh tật theo thời gian cho phép nhận định:

Hình 2. Tổng gánh nặng bệnh tật theo từng nhóm bệnh (Nguồn: Nghiên cứu gánh nặng bệnh tật)

-         Hiện nay tai nạn là gánh nặng bệnh tật lớn nhất. Trong các loại hình tai nạn quan trọng nhất là tai nạn giao thông, té sông và điện giật. Loại hình tai nạn giao thông và điện giật gắn liền với mức độ đô thị hóa và điện khí hóa trong những năm gần đây. Tuy nhiên ở một số khu vực như miền Tây nam bộ, do địa hình có nhiều kênh rạch, té sông là loại hình tai nạn phổ biến nhất và có lẽ từ lâu đã là một gánh nặng bệnh tật quan trọng đối với người dân.

-         Bệnh nhiễm trùng xảy ra ở tất cả các khu vực và các lứa tuổi, đến nay vẫn là gánh nặng bệnh tật quan trọng hơn các bệnh tim mạch và ung thư. Số liệu này gợi ý  mô hình bệnh tật của Việt Nam cơ bản vẫn là mô hình của một nước nông nghiệp đang phát triển mặc dù gánh nặng bệnh tim mạch và ung thư đang trở thành nổi cộm ở một số khu vực đô thị như thành phố Hồ Chí Minh. Diễn tiến bệnh nhiễm trùng trong những năm gần đây cho thấy sự cải thiện rất đáng kể. Do đó, chúng ta có thể nhận định rằng gánh nặng do bệnh truyền nhiễm đã giảm đáng kể trong thời gian vừa qua và sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

-         Tỉ suất các bệnh ung thư và tim mạch có lẽ đã gia tăng trong thời gian gần đây do sự lão hóa của dân số và sự thay đổi nếp sống, đặc biệt ở khu vực thành thị. Do đó gánh nặng bệnh tật  do bệnh ung thư và tim mạch có lẽ đã gia tăng đáng kể.

Như vậy gánh nặng bệnh tật do tai nạn, bệnh ung thư và tim mạch đã gia tăng tỉ trọng, gánh nặng do nhiễm trùng đang giảm dần. Khuynh hướng này sẽ tiếp tục trong thời gian sắp tới.

3.2.2 Bệnh không truyền nhiễm

Những bệnh không truyền nhiễm có tầm quan trọng hàng đầu trên thế giới là bệnh thiếu máu cơ tim, đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư, tiểu đường, thiếu máu thiếu sắt, suy dinh dưỡng, bướu cổ.

3.2.2.1. Các bệnh tim mạch và đột quỵ

Hình 3. Các yếu tố tác động đến bệnh tim mạch và đột quỵ

Các bệnh tim mạch quan trọng nhất là bệnh thiếu máu cơ tim, bệnh thấp tim, cao huyếp áp và đột quỵ. Những yếu tố tác động quan trọng của các bệnh tim mạch là lối sống không lành mạnh  như  ăn nhiều chất béo, hút thuốc lá, kém vận động (Hình 12) và tuổi cao. Bệnh thiếu máu cơ tim là nguyên nhân gây chết hàng đầu trên thế giới với số tử vong hàng năm trên thế giới vào khoảng 7 triệu người. Trong những năm gần đây do sự già hóa của dân số, do vấn đề đô thị hóa và ảnh hưởng của lối sống không lành mạnh tỉ suất mắc bệnh thiếu máu cơ tim đã gia tăng đáng kể. Tuy nhiên gánh nặng của thiếu máu cơ tim chưa được nhận thức đầy đủ do cấu trúc dân số của Việt Nam còn tương đối trẻ và do khó khăn trong việc chẩn đoán nguyên nhân tử vong ở người già. Ðây có lẽ là nguyên nhân của việc số liệu trên cộng đồng về quy mô bệnh thiếu máu cơ tim còn nghèo nàn.

Ðột quỵ là nguyên nhân gây chết thứ hai trên thế giới với khoảng 4 triệu rưỡi tử vong hàng năm. Ở Việt Nam do sự gia tăng ảnh hưởng của yếu tố tác động và lão hóa dân số, gánh nặng do đột quỵ cũng đang gia tăng. Hiện nay đột quy là nguyên nhân tử vong hàng đầu của các bệnh tim mạch ở bệnh viện chiếm 50,0% và cùng với cao huyết áp,  bệnh này chiếm khoảng 10,2% các bệnh nhân tim mạch ở bệnh viện [10]. So với đầu thập kỉ 90 số chết do đột quỵ ở tại các bệnh viện gia tăng gấp 10 lần. Trên cộng đồng, tỉ suất hiện mắc của cao huyết áp ở nam vào khoảng 12,2% và ở nữ là 11,2%.

Hiện nay trong toàn thể các bệnh tim mạch, thấp tim vẫn chiếm một tỉ lệ lớn trong số các bệnh nhân nằm viện (73,5%) và là nguyên nhân tử vong hàng thứ hai của bệnh tim mạch ở bệnh viện (23,4%) [10].

Trong tương lai do sự lão hóa dân số, do đô thị hóa và lối sống không lành mạnh, các bệnh lí tim mạch sẽ gia tăng gánh nặng. Ở Việt Nam, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa  sẽ làm tăng các yếu tố nguy cơ và làm cho tử vong mạch vành tăng 59% vào năm 2010 so với 1995 và nếu  tình hình hút thuốc lá gia tăng thêm 10% , tử vong do mạch vành sẽ tăng khoảng 75%. Bởi vì  cao huyết áp là một yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành, điều trị y khoa và tăng tính tiếp cận đến cơ sở y tế sẽ có đóng góp vào việc giảm tử vong của bệnh mạch vành. Tính đến năm 2010, cao huyết áp và số ca tử vong và tàn phế do đột quỵ sẽ tăng khoảng 55%. Tình hình đột quỵ sẽ diễn tiến xấu hơn nữa nếu tình hình nghiện rượu gia tăng hay mạng lưới y tế không đáp ứng được nhu cầu điều trị cao huyết áp của người dân.

Bệnh thấp tim ở Việt Nam cũng như phần lớn các quốc gia khác đang có chiều hướng cải thiện do việc cải thiện điều kiện sống của người dân nói chung và do hiệu quả của kháng sinh được sử dụng trong các bệnh lí viêm nhiễm hô hấp. Các phương tiện điều trị nội và ngoại khoa và điều trị phục hồi cũng góp phần cải thiện tình trạng  của bệnh. Nhìn chung, tình hình bệnh thấp tim sẽ được tiếp tục cải thiện nếu tính tiếp cận của người dân đến hệ thống y tế được chú ý. Tổng hợp số liệu dự báo cho thấy vào năm 2010 trong tổng số các trường hợp tử vong  do bệnh tim mạch tại bệnh viện đột quỵ chiếm khoảng một phần hai, bệnh mạch vành vào khoảng một phần ba và bệnh thấp tim vào khoảng một phần tám.

3.2.2.2. Bệnh phổi tắc nghẽn

Bệnh  tắc nghẽn phổi mãn tính sẽ có sự gia tăng rất cao trong vòng 10 năm tới về số trường hợp tử vong. Lí do chính của gia tăng số ca mắc bệnh tắc nghẽn phổi là sự lão hóa của dân số. Những nguyên nhân khác cũng rất quan trọng là sự gia tăng ô nhiễm không khí ở các khu vực đô thị, gia tăng hút thuốc lá và những nguy hại do tiếp xúc nghề nghiệp. Dự báo cho thấy vào năm 2010 số trường hợp tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính sẽ tăng thêm 92% so với năm 1995.

3.2.2.3. Bệnh ung thư

Bệnh ung thư đang gia tăng trên toàn cầu: chỉ riêng ung thư phổi và phế quản là nguyên nhân tử vong hàng thứ mười [8]. Trên quy mô thế giới, số ca mới mắc ung thư vào năm 1985 vào khoảng 9 triệu và sẽ tăng vào lên 15 triệu vào năm 2015. Có hai cuộc điều tra ghi nhận ung thư trên dân số: tại Hà nội vào năm 1991-1992 và tại thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1996 (Bảng 5). Số liệu cho thấy tỉ suất mới mắc ung thư của nước ta vào khoảng 120-150/100.000 người-năm. Nhìn chung tỉ suất ung thư cao ở nam hơn ở nữ, ở thành phố Hồ Chí Minh cao hơn ở Hà nội.

Bảng 2. Tỉ suất mơí mắc ung thư  trên 100.000 dân/năm ở Hà nội và TP Hồ Chí Minh (chuẩn hóa theo tuổi)

 

Nam giới

Nữ giới

Hà nội (1991)

153.3

99.3

TP Hồ Chí Minh (1986)

183.2

136.1

Những ung thư nổi bật ở nam giới là ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng và vòm hầu, ở nữ giới là cổ tử cung, ung thư vú, dạ dày, phổi, đại trực tràng và vòm hầu.

Trên quy mô toàn thế giới, gánh nặng bệnh ung thư được tiên đoán là sẽ gia tăng trong khoảng vài thập niên tới về số tuyệt đối các ca bệnh và chết và về tỉ lệ trong tổng số các gánh nặng bệnh tật. Nguyên nhân của sự gia tăng bệnh ung thư là do sự lão hóa của dân số và do sự gia tăng tỉ suất ung thư đặc hiệu theo tuổi đặc biệt là do các nguyên nhân hút thuốc lá (ung thư phổi) và lối sống phương Tây (ung thư đại trực tràng, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt).

Kết quả dự báo cho thấy ở Việt Nam, ngay cả khi nếu tỉ suất mắc ung thư đặc hiệu theo tuổi cũng tương tự như năm 1995, thì số ca ung thư hàng năm sẽ tăng 48% vào năm 2010 (cao hơn nhiều so với con số 30% là dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới về mức độ gia tăng ung thư của toàn thế giới). Nếu tính đến sự gia tăng các yếu tố nguy cơ: ăn ít chất xơ, ít rau, ăn nhiều thịt, chất béo, muối và các chất  phụ gia thực phẩm do quá trình đô thị hóa  thì số ca ung thư sẽ tăng đến 54%. Giả sử có sự gia tăng tỉ lệ hút thuốc lá 10% trong vòng 15 năm thì vào năm 2010 số ca ung thư sẽ tăng 62% so với năm 1995. Như vậy nhìn chung số ca ung thư Việt Nam có tốc độ tăng nhanh hơn tốc độ thế giới và quá trình này còn chưa kết thúc. Như vậy nếu không có biện pháp phòng chống tích cực số tử vong ung thư sẽ cao hơn khoảng 15% so với nếu có biện pháp phòng chống như chống hút thuốc lá, giáo dục sức khỏe chống tăng cân, giảm ăn chất béo và ăn nhiều rau, trái cây.

3.2.2.4. Các bệnh nội tiết và bệnh tiểu đường

Cũng như các nước khác trên thế giới, hai bệnh nội tiết có tầm quan trọng về y tế công cộng là tiểu đường và basedow. Hai bệnh này chiếm đến hơn 80% số bệnh nhân nhập viện điều trị tại các khoa bệnh viện nội tiết. Mặc dù có những khảo sát về số bệnh nhân khám và điều trị tại bệnh viện cho đến nay chỉ có một vài cuộc điều tra toàn diện trên dân số về tiểu đường. Kết quả cho thấy tỉ lệ hiện mắc của tiểu đường vào khoảng từ 1 đến 2%. Tỉ lệ hiện mắc tiểu đường cao nhất ở nội thành thành phố Hồ Chí Minh.

Bảng 3. Tỉ lệ hiện mắc tiểu đường tại một số địa phương [11]

Ðịa điểm

Nội thành

Ngoại thành

Hà nội

1,44%

0,63%

Huế

0,96%

0,96%

TP Hồ Chí Minh

2,68%

 

Tỉ lệ này phù hợp với dự đoán của tổ chức y tế thế giới cho khu vực Trung quốc, Việt Nam. Tiểu đường cũng là một nguyên nhân tử vong quan trọng: theo nghiên cứu gánh nặng bệnh tật, cứ 200 trường hợp tử vong có một trường hợp tử vong do tiểu đường.

Tiểu đường được xem là bệnh dinh dưỡng của thời kì chuyển tiếp: nó liên quan đến nếp sống đô thị, đến lão hóa dân số và đến sự tăng trưởng kinh tế. Trong tương lai, gánh nặng bệnh tật do  tiểu đường sẽ trở thành quan trọng hơn. Tổ chức y tế thế giới dự báo trên quy mô thế giới vào năm 2000 sẽ có trên 150 triệu người và vào năm 2025 sẽ có 300 triệu so với 135 triệu người vào năm 1995 [8]. Số liệu dự báo của Tổ chức Y tế thế giới về số bệnh nhân tiểu đường ở Việt Nam vào khoảng 0,870 triệu, 1,015 triệu và 2,454 triệu người vào những năm 1995, 2000 và 2015. Số liệu dự báo của nghiên cứu này cho thấy sự gia tăng số bệnh nhân tiểu đường gấp 1,6 lần vào năm 2010 so với 1995.

Hiện tại, chúng ta chưa có công trình nghiên cứu trên dân số nào về bệnh basedow nên không thể ước lượng tỉ lệ basedow. Tuy nhiên hầu như tất cả các  chuyên gia đều thống nhất rằng bệnh basedow ít phổ biến và ít quan trọng hơn bệnh tiểu đường.

3.2.2.5. Suy dinh dưỡng protein năng lượng � thiếu máu thiếu sắt và bệnh bướu cổ

Suy dinh dưỡng là một vấn đề nổi cộm ở Việt Nam: trong khi các chỉ số sức khỏe khác của Việt Nam tương đối tốt so với thu nhập bình quân thì tỉ lệ suy dinh dưỡng ở Việt Nam là cao hơn các nước trong khu vực Ðông Nam Á và Nam Á (ngoại trừ Bangladesh). Cũng như những quốc gia khác, yếu tố tác động quan trọng của suy dinh dưỡng là trình độ văn hóa thấp của mẹ, thu nhập của gia đình thấp và sinh nhẹ cân [12] . Trong những năm gần đây, do sự tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân của người dân gia tăng và đã cải thiện phần nào tình trạng dinh dưỡng của trẻ em.

Thật vậy, trong thời kì 1980-1985, Viện Dinh dưỡng đã tiến hành 3 cuộc điều tra trong cả nước về tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi. Cuộc điều tra đầu tiên trên 11.809 trẻ tiến hành trong thời kì 1980-1985 , cuộc điều tra thứ hai trên 7044 được tiến hành trong các năm 1987-1989  và cuộc điều tra thứ ba gần đây nhất được tiến hành vào năm 1994 trên 37.000 trẻ.

Bảng 4. Tỉ lệ phần trăm trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi và gầy còm trong các cuộc điều tra do Viện Dinh dưỡng tiến hành [13]

Tỉ lệ suy dinh dưỡng

1980-1985

1987-1989

1994

Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân
(Cân nặng theo tuổi <-2 SD)

51,5%

44,9%

44,9%

Suy dinh dưỡng thể thấp còi

(Chiều cao theo tuổi < - 2SD)

59,7%

56,5%

46,9%

Suy dinh dưỡng thể gầy còm

(Cân nặng theo chiều cao < -2 SD)

7%

9,3%

11,6%

Ảnh hưởng của thu nhập lên tình trạng dinh dưỡng còn thể hiện qua tỉ lệ suy dinh dưỡng khác nhau của các vùng kinh tế-sinh thái: Vùng miền núi phía Bắc, Bắc trung bộ và Tây Nguyên là những vùng nghèo và có tỉ lệ suy dinh dưỡng cao trong khi vùng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như vùng Ðông Nam bộ sẽ có tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp.

Thiếu máu thiếu sắt là bệnh có số hiện mắc cao nhất trên thế giới. Ở Việt Nam tỉ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 2 tuổi lên tới 60,5%, ở phụ nữ có thai là 52,3% và phụ nữ không mang thai là 41,2% mặc dù tỉ lệ thiếu máu ở trẻ em từ 2 đến 5 tuổi chỉ vào khoảng 30% và ở nam giới là 16% [14]. Yếu tố nguy cơ của thiếu máu là chế độ ăn nghèo thịt cá, do nhiễm giun móc và do chất lượng chăm sóc bà mẹ và trẻ em kém. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, thiếu máu thiếu sắt sẽ trở nên ít phổ biến hơn. Tuy nhiên, trong tình trạng ở Việt Nam, vấn đề thiếu máu thiếu sắt chỉ có thể giải quyết triệt để thông qua việc bổ sung sắt nguyên tố cho bà mẹ và trẻ em và dựa trên việc triển khai các chương trình y tế ở các vùng dân cư nghèo và khó khăn.

Ðiều tra dịch tễ học bướu cổ trong thời gian 1976-1985 cho thấy tỉ lệ mắc bướu cổ trung bình trong dân cư miền núi là 34,7%. Ðặc biệt ở những vùng cô lập tỉ lệ bướu cổ lên đến 80% với tỉ lệ đần độn bẩm sinh từ 1-8% [14]. Số liệu điều tra của UNICEF và viện Nội tiết năm 1993 cho thấy  94% trẻ em từ 8 đến 12 tuổi bị rối loạn thiếu iod [15] . Trong tương lai, tỉ lệ bệnh bướu cổ và rối loạn thiếu Iod sẽ phụ thuộc vào quy mô cung cấp đầy đủ muối Iod cho người dân và điều này giải quyết được thông qua sự cam kết chính trị mạnh mẽ của chính phủ và khả năng phối hợp liên ngành.

3.2.2.6. Tai nạn

Tai nạn là gánh nặng bệnh tật hàng đầu trong toàn bộ dân số, đặc biệt trong các lứa tuổi 5 -14, 15-29 và  30-49. Tai nạn, chấn thương và tự tử  hiện là một trong những bệnh gây chết hàng đầu ở Việt Nam kể từ năm 1990. Khác với các nước công nghiệp nơi chủ yếu các tai nạn là do nguy cơ nghề nghiệp, loại hình tai nạn chính của Việt Nam là do giao thông. Hiện nay tai nạn và chấn thương ngày càng gia tăng tầm quan trọng. Từ  vòng 7 năm từ 1990 đến 1997, số tử vong do tai nạn giao thông tăng gấp 3 lần [16]. Và số tử vong do tai nạn tại bệnh viện cũng gia tăng đáng kể [6] .

Nguyên nhân của tai nạn giao thông gia tăng là sự gia tăng phương tiện cơ giới lưu hành. Trong năm 1990 chỉ có 1.209.643 xe mô tô và gắn máy lưu hành so với số lượng 4.208.247 xe vào năm 1998. Các yếu tố tác động khác bao gồm chất lượng kĩ thuật và an toàn của các đường giao thông, sự lưu hành của các xe vận tải lớn ở các khu công nghiệp, uống rươụ, không đội nón bảo hộ và  và tỉ lệ dân số tuổi từ 15 đến 25 tuổi. Trong tương lai nếu nhà nước không kiểm soát khối lượng xe cộ lưu hành thì vào khoảng năm 2010 với dân số đô thị tăng lên khoảng 1,8 lần và tỉ lệ sử dụng xe mô tô gắn  máy cá nhân tăng gấp1,5 lần thì số tai nạn giao thông sẽ tăng 2,7 lần và gây tử vong hàng năm cho 16.000 người, gấp 4,5 lần số tử vong do bệnh lao và  gấp 60 lần số tử vong do sốt rét ở thời điểm đó. Ðồng thời với sự gia tăng tai nạn giao thông, trong tương lai do sự phát triển công nghiệp, quy mô của tai nạn lao động sẽ ngày một gia tăng nếu không có biện pháp an toàn lao động thích hợp.

Ngoài tai nạn giao thông là loại hình tai nạn chính và xảy ra ở các khu công nghiệp và đô thị, ở miền Ðồng bằng sông Cửu long còn có một loại hình tai nạn đặc thù là té sông. Ở khu vực này số tử vong do té sông cao hơn số tử vong do tai nạn giao thông [9]. Các loại hình tai nạn khác  ít phổ biến hơn là điện giật, sét đánh, rắn cắn.

 3.2.3 Các bệnh truyền nhiễm

3.2.3.1 Bệnh nhiễm trùng hô hấp

Nhiễm trùng hô hấp dưới là nguyên nhân tử vong hàng thứ ba trên thế giới với khoảng 4 triệu tử vong hàng năm. Ở Việt Nam, nhiễm trùng hô hấp cũng có chiều hướng gia tăng mặc dù số liệu thống kê của bệnh viện chỉ phân biệt viêm phổi và viêm phế quản (mà có lẽ một phần quan trọng trong thống kê này là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính). Vào trước năm 1980, tử vong do tiêu chảy cao hơn số tử vong do viêm phổi và viêm phế quản nhưng từ 1990 tử vong do viêm phổi có chiều hướng gia tăng và đến năm 1997 gấp 10 lần số tử vong do tiêu chảy [6]. Nguyên nhân của bệnh nhiễm trùng hô hấp tăng là do  sự lão hóa dân số, gia tăng ô nhiễm không khí và tỉ lệ hút thuốc lá. Tỉ lệ vi khuẩn kháng thuốc có lẽ cũng đóng một vai trò quan trọng trong chiều hướng này.

Dự báo vào năm 2010, số trường hợp nhiễm trùng hô hấp sẽ gia tăng khoảng 30% do số trẻ dưới 5 tuổi gia tăng, do gia tăng ô nhiễm không khí và tình trạng nhà cửa không lành mạnh ở các khu vực dân cư nghèo ở thành thị.

3.2.3.2. Bệnh lao

Trên thế giới bệnh lao đứng hàng thứ tư trong số các nguyên nhân tử vong với 3 triêu người chết hàng năm. Diễn tiến của bệnh lao đang có chiều hướng chuyển biến phức tạp do những khủng hoảng kinh tế và chính trị toàn cầu làm ảnh hưởng đến mạng lươí y tế, do sự xuất hiện của các chủng kháng thuốc và do đại dịch HIV/AIDS [17]. Theo Viện Lao và bệnh phổi thì ở nước ta có 130.000 bệnh mơí hàng năm. Trong số đó, chỉ có 67% được phát hiện và điều trị,  33% không được điều trị chủ yếu ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các đồng bào dân tộc. Riêng trong năm 1998 có 87.497 ca được phát hiện và điều trị với 88% điều trị khỏi. Phương pháp hóa trị liệu ngắn ngày tỏ ra rất có hiệu quả:  trong số 84.786 bệnh nhân lao được điều trị có 97% khỏi bệnh. Tuy vậy, ở Việt Nam diễn tiến của bệnh lao cũng trở nên phức tạp từ những năm 1990 với sự gia tăng số mắc bệnh và số chết do lao gấp 2,5 lần trong khoảng thời gian từ 1989 đến 1996.

Gia tăng mắc lao cũng xảy ra đồng thời với việc xóa bỏ chế độ bao cấp trong việc khám chữa bệnh và giảm tỉ lệ khám bệnh. Mặc dù còn quá sớm để kết luận về mối liên hệ nhân quả nhưng có thể đặt ra giả thuyết: việc xóa bỏ bao cấp làm người dân ngần ngại và đến khám bệnh trễ hơn, tạo điều kiện cho sự lây lan của bệnh lao. Các nguyên nhân như sự gia tăng tỉ lệ hút thuốc, tỉ lệ uống rượu và sống chen chúc ở các khu vực đô thị cũng có thể là những yếu tố tác động. Nếu khuynh hướng này tiếp tục duy trì  đến năm 2010 số mới mắc lao sẽ lên đến 120.000/năm với 3.500 tử vong.

3.2.3.4 Bệnh tiêu chảy

Nhìn chung, khuynh hướng của tiêu chảy là giảm dần về số mắc và số chết.  Vào những năm 1976-1977, tiêu chảy là nguyên nhân chết hàng đầu tại bệnh viên  nhưng trong vòng 20 năm sau đó số chết đã giảm đi 10 lần và cho đến 1995 không còn là một trong mười nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Nguyên nhân của sự cải thiện này là do tỉ suất mắc tiêu chảy giảm do cải thiện trong cung cấp nước sạch do tỉ suất chết/mắc giảm do việc sử dụng ORS rộng rãi ở nhân dân. Trong thời gian trước mắc, nguy cơ mắc tiêu chảy ở một số khu vực có thể giảm trong khi một số khu vực khác lại tăng lên. Ở một số khu vực nông thôn tình hình cung cấp nước có lẽ được cải thiện do việc thực hiện chương trình cung cấp nước sạch trong khi ở một số khu vực thành thị, những người nghèo và mới nhập cư phải cư ngụ trong hoàn cảnh khó khăn sẽ khó có thể có được nguồn nước đảm bảo. Trong tình hình môi trường và cung cấp nước sạch chưa được can thiệp triệt để trong những năm sắp tới, tình hình mắc và chết tiêu chảy sẽ tiếp tục duy trì ở mức hiện nay với trung bình 1,4 lần mắc tiêu chảy một năm ở trẻ dưới 5 tuổi. Tỉ lệ tử vong do tiêu chảy sẽ giảm do ở khu vực thành thị có sự tiếp cận tốt hơn của người dân với các dịch vụ y tế và do tình trạng dinh dưỡng chung của trẻ em được cải thiện.

3.2.3.5. Bệnh sốt rét

Tình hình mắc sốt rét trong thời gian qua có những tiến bộ đáng kể. Vào những năm 1989-1990, sốt rét là nguyên nhân bệnh và tử vong hàng đầu. Sau 1993, mặc dù tình hình sốt rét không được cải thiện đáng kể, số chết do sốt rét giảm gần phân nửa và sau 1997 dù sốt rét vẫn là nguyên nhân gây bệnh hàng thứ 9 nó không còn trong danh sách 10 bệnh gây chết hàng đầu.

Nếu sốt rét tiếp tục được khống chế theo chiều hướng hiện nay, vào năm 2010 số mới mắc sốt rét sẽ chỉ vào khoảng 200.000/người-năm với số tử vong từ 200 đến 300 trường hợp.

3.2.3.6 Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh tật và nguyên nhân tử vong quan trọng ở trẻ em, đặc biệt là ở trẻ dưới 10 tuổi. Sốt xuất huyết hiện vẫn lưu hành tương đối ổn định ở các tỉnh phía  Nam và ở khu vực này số tử vong do sốt xuất huyết cao hơn số tử vong do tiêu chảy và sốt rét [19]. Sốt xuất huyết thường diễn tiến thành dịch lớn với chu kì 4 năm một lần với số ca mới mắc dao động chung quanh 100.000/năm và số chết từ 100 đến 1000/năm. Yếu tố nguy cơ chính của sốt xuất huyết là sự hiện diện của các vật chứa nước không đậy nắp ở trong nhà mà đây là đặc điểm của các khu vực dân cư không được cung cấp đủ nước dùng trong ngày và trong năm. Do sốt xuất huyết chỉ có thể khống chế thông qua sự tham gia của cộng đồng vào việc loại trừ hoặc đậy nắp các vật chứa nước và hiện tượng này tương đối phổ biến ở các khu vực không có mạng lưới cấp nước hoàn hảo.

3.2.3.7 Nhiễm HIV/AIDS

Từ một trường hợp nhiễm HIV được phát hiện ở thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 12/1990 sau khi sàng lọc hơn 70.000 mẫu máu đến nay (31/12/1998) ở Việt Nam đã có số mới mắc lũy tích là 11.349 ca nhiễm HIV và 2374 trường hợp mắc bệnh AIDS (đã tử vong 1249 trường hợp), trong đó chủ yếu là  nam giới chiếm 82,8%.

Như vậy tình hình nhiễm HIV/AIDS của Việt Nam không  phải nặng nề so với các nước trong khu vực. Kể cả phần chìm của tảng băng HIV/AIDS tỉ lệ hiện mắc của nhiễm HIV chỉ vào khoảng 0,1% (thấp so với Thái lan khoảng 2%). Tuy nhiên  tình hình nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam có những đặc tính báo hiệu sẽ có một đợt sóng nhiễm HIV lớn hơn nếu không có biện pháp chủ động tích cực:

- Tỉ lệ nhiễm HIV trong những người nghiện hút giảm từ 42,31% năm 1995 đến 28,24% năm 1997.

- Tỉ lệ nhiễm HIV ở gái mãi dâm tăng chậm và tăng đột biến vào năm 1997

- Tỉ lệ phụ nữ trong số nhiễm HIV  gia tăng dần theo thời gian.

- Tỉ lệ nhiễm HIV trong những người nhiễm lao tăng nhanh (7,8%) vào năm 1997.

Theo nhận định của các chuyên gia tại hội nghị về phóng chống AIDS (Hà nội 19/1/1999) tình hình HIV/AIDS ở nước ta có những đặc điểm như sau:

1. Gia tăng rất nhanh ở một số tỉnh Phía Bắc, đặc biệt là ở Quảng Ninh, Lạng Sơn

2. HIV/AIDS đang lan ra cả các vùng ít giao lưu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, đồng thời tiếp tục lan nhanh ở các tỉnh miền Ðông, miền Tây Nam bộ

3. Nhiễm HIV có xu hướng  trẻ hóa, 53,3% người mắc ở độ tuổi 20-29. Trẻ sơ sinh nhiễm HIV cũng đã được phát hiện do thai phụ nhiễm HIV, mặc dù chưa nhiều đây là hiện tượng đáng chú ý.

4. Bệnh nhân AIDS tăng nhanh do tích lũy và có tỉ lệ tử vong cao, chiếm khoảng 50% bệnh nhân AIDS. Ðã có nhiều gia đình cả bố mẹ, con đều bị nhiễm HIV và cũng đã có gia đình cả nhà đều chết vì AIDS.

5. Nam nhiễm HIV vẫn nhiều hơn nữ, nhưng xu hướng gia tăng ở nữ khá rõ rệt: Năm 1993 có 7,0%, đến năm 1998 có 17,2% người nhiễm là nữ.

Ðiều này chứng tỏ làn sóng nhiễm HIV ở người nghiện ma túy đã thoái lui. Dù vậy làn sóng nhiễm HIV ở người mại dâm và khách hàng mua dâm hiện đang tăng dần. Làn sóng này sẽ có quy mô lớn  hơn rất nhiều nếu chúng ta không có biện pháp phòng chống chủ động và tích cực. Trong thời gian hiện nay thông điệp quan trọng nhất trong giáo dục sức khỏe để phòng chống HIV/AIDS là thông điệp về an toàn tình dục, ngăn chặn ma túy.

VI. Kết luận và kiến nghị

Trên đây chúng tôi vừa phác thảo một mô hình phát triển sức khỏe ở Việt Nam, cố gắng liên kết từ những chính sách cải cách kinh tế vĩ mô thông qua các thay đổi về các yếu tố quyết định sức khỏe đến những thay đổi về tình hình bệnh tật và các chỉ số sức khỏe khác.

Nhìn chung, trong bối cảnh hòa bình và ổn định chính trị, bằng những chính sách trong quá trình đổi mới: giao quyền làm chủ sản xuất cho nông dân, khuyến khích kinh tế tư, mở cửa và xóa bỏ bao cấp, đất nước ta đã bước vào giai đoạn phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Thu nhập người dân được cải thiện, tăng sản xuất thực phẩm, tăng chi tiêu ngân sách đã làm thay đổi đáng kể các yếu tố quyết định sức khỏe. Có những thay đổi thuận lợi như cải thiện khẩu phần ăn, tăng sức đề kháng chống lại bệnh nhiễm trùng  và việc thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia  đã làm giảm số tử vong do tiêu chảy, do các bệnh tiêm chủng mở rộng và do sốt rét. Những thay đổi này tác động nhiều nhất đến sức khỏe của trẻ em, cải thiện tình trạng dinh dưỡng và tỉ suất tử vong trẻ em và qua đó có tác động mạnh mẽ đến tuổi thọ.Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận trong dân số chưa được hưởng thụ đầy đủ các lợi ích này. Có sự chênh lệch đáng kể về yếu tố quyết định sức khỏe và tình trạng sức khỏe giữa các vùng kinh tế-sinh thái khác nhau thể hiện qua thu nhập bình quân đầu người, chi tiêu cho thực phẩm, tỉ suất tử vong trẻ em, tỉ suất tử vong mẹ. Việc thu viện phí cũng đã làm giảm tính tiếp cận của những ngươì nghèo đến các cơ sở y tế. Ðây là một nguyên nhân khiến tình hình tử vong do lao và nhiễm trùng hô hấp có khuynh hướng tăng trong những năm gần đây.

 

Tăng trưởng kinh tế cũng có những tác động bất lợi lên sức khỏe: hút thuốc lá, uống rượu, ma túy và mại dâm tăng mạnh. Mặc dù tác động của các yếu tố này lên sức khỏe là chậm  nhưng rất quan trọng.

Có hai yếu tố nguy cơ quan trọng, gây tác hại trước mắt và cần được can thiệp nhanh chóng là vấn đề an toàn giao thông và lạm dụng thuốc kháng sinh. Nếu không có biện pháp can thiệp, tai nạn giao thông và tử vong do tai nạn giao thông sẽ tăng gấp 2,7 lần trong 10 năm tới. Lạm dụng thuốc kháng sinh đã gây tình trạng kháng thuốc tràn lan.

Do vậy, khái niệm gánh nặng gấp đôi (double burden) là từ mô tả chính xác tình hình y tế của Việt Nam. Trong 10 năm tới ngành y tế sẽ phải đương đầu với thách thức gánh nặng y tế: gánh nặng bệnh truyền nhiễm chưa giảm một cách đồng bộ và gánh nặng bệnh tật do ung thư, cao huyếp áp, đột quỵ, tiểu đường và tai nạn sẽ tăng nhanh.

Ðể cải thiện tốt hơn sức khỏe của người dân, để chủ động khắc phục những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường trong thập kỉ sắp tới chúng tôi có những đề nghị sau:

Giải quyết bệnh tật

- Cần phải có hệ thống thu thập số liệu về các bệnh tật phổ biến trong cộng đồng � tránh việc đánh giá tình trạng sức khỏe chỉ dựa vào số liệu của bệnh viện. Số liệu sức khỏe cần được phân rã theo tuổi, giới tính, mức thu nhập và khu vực kinh tế sinh thái. Qua đó số liệu này có thể phản ánh chính xác và kịp thời tình hình sức khỏe cũng như cho phép dự báo những thay đổi sức khỏe trong tương lai để có thể kịp thời hoạch định chính sách y tế một cách tích cực và thích hợp nhất.

- Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình y tế quốc gia để giải quyết các bệnh tiêm chủng mở rộng, sốt rét, thiếu Vitamine A, Rối loạn thiếu Iod, thiếu máu thiếu sắt.

-  Các bệnh truyền nhiễm như lao, nhiễm HIV/AIDS sẽ gia tăng trong mười năm tới, một số bệnh như sốt xuất huyết, tiêu chảy trẻ em và viêm phế quản phổi sẽ chỉ giảm nhẹ, sốt rét sẽ giảm nhanh. Do những bệnh truyền nhiễm chủ yếu xảy ra ở những người nghèo, việc bỏ qua tính công bằng trong phòng chống bệnh (chú ý đến phòng bệnh của người giàu) sẽ làm tăng gánh nặng bệnh tật chung của toàn xã hội.

- Mặc dù xảy ra chậm chạp, hiện tượng lão hóa dân số trong mười năm tới sẽ góp phần làm gia tăng các bệnh ung thư, đột quỵ, cao huyết áp, tiểu đường. Do gánh nặng điều trị của các bệnh mãn tính khác nặng nề ngành y tế cần chủ động phòng bệnh cũng như chuẩn bị phương án để đối phó với sự gia tăng gánh nặng này.

Giải quyết yếu tố nguy cơ

- Phải có hệ thống giám sát các yếu tố tác động sức khỏe theo thời gian để có thể chủ động kịp thời  phòng tránh những hậu quả có hại của các yếu tố này lên sức khỏe

- Tai nạn là một gánh nặng bệnh tật hàng đầu ở Việt Nam chứng tỏ tai nạn ở Việt Nam là một vấn đề nghiêm trọng bất thường. Nhà nước cần cam kết đẩy mạnh công tác phòng chống tai nạn, xây dựng cộng đồng an toàn nếu muốn cải thiện sức khỏe và tuổi thọ người dân một cách đáng kể.

- Kiểm soát tốt vấn đề lạm dụng kháng sinh, điều chỉnh lại phác đồ hướng dẫn điều trị kháng sinh và kiểm soát việc tuân thủ phác đồ.

- Tỉ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam thuộc loại cao nhất thế giới và sẽ làm gia tăng gánh nặng bệnh tật trong thời gian trước mắt và trong vòng 40 năm tới. Cần xây dựng chính sách quốc gia về thuốc lá kết hợp với giáo dục sức khỏe và các biện pháp tiếp thị xã hội nhằm làm giảm số người hút thuốc lá.

- Kiểm soát tệ nạn nghiện rượu, nghiện ma túy, và mại dâm. Giáo dục sức khỏe để nâng cao nhận thức về an toàn giới tính.

- Vấn đề môi trường như cung cấp nước sạch và hố xí hợp vệ sinh vẫn còn là vấn đề bức xúc và các bệnh tật liên quan đến nước tiếp tục đe dọa sức khỏe của người dân.

- Có sự giảm sút tỉ lệ nhập học và khám bệnh tại các cơ sở y tế  từ sau 1990 có thể là do tác động của việc thu học phí và viện phí. Ðể tránh các tác động bất lợi lên ngươì dân, nhà nước cần phải có chính sách xã hội tốt hơn về mặt giáo dục và sức khỏe.

Các biện pháp chung

- Ðể có các chỉ số phát triển kinh tế, sức khỏe tăng nhanh và bền vững, nhiều ngành trong chính phủ phải chú ý đến phát triển kinh tế, nông nghiệp, giáo dục và sức khỏe ở các vùng khó khăn.

- Thành lập Vụ sức khỏe nông thôn để chăm lo sức khỏe cho người dân. Với tên gọi này Vụ sẽ có nhiều khả năng phối hợp với nhiều ngành khác trong việc giải quyết các vấn đề sức khỏe cho người dân ở nông thôn. Và bởi vì 80% người dân Việt Nam sống ở nông thôn và trên 90% người nghèo sống ở nông thôn, Vụ sức khỏe nông thôn đẩy mạnh quá trình phát triển sức khỏe ở Việt Nam và đem lại công bằng trong chăm sóc sức khỏe cho người nghèo.

-  Nhà nước phải tạo môi trường hợp tác và đối thoại (advocacy): Các nhà khoa học cần phải giúp đỡ nhà nước trong việc thể chế hóa  và nhà nước mang tính khoa học phải sẵn sàng để đi đầu trong các cải cách sức khỏe. Việc đề ra các chính sách y tế thích hợp, chủ động và kịp thời cần rất nhiều năng lực trí tuệ của các nhà lập chính sách cũng như sự nhạy bén trong việc nhận thức tình hình. Các nhà khoa học cũng có thể góp phần vào việc cải thiện sức khỏe người dân bằng cách nghiên cứu diễn tiến, khuynh hướng và yếu tố nguy cơ của những bệnh tật phổ biến của cộng đồng, gợi ý những biện pháp  phòng chống, điều trị và những chính sách y tế phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

1. Djukanovic V & Hetzel BA (eds) (1995) The Democratic Republic of North Vietnam. In: Basic Health Care in Developing countries, An epidemiological perspective. Oxford: Oxford University Press, pp102-17

2. Allman J (1992) Primary health care in Vietnam. In: Rohde J et al. (eds) Reaching health for all.  Oxford: Oxford University Press, pp 324-41

3. Ðỗ Nguyên Phương (1998) Một số vấn đề về xây dựng ngành y tế phát triển ở Việt Nam. Hà nội: Nhà xuất bản y học

4. Dahlgren G, Whitehead M (1991) Policies and strategies to promote social equity in health. Stockholm, Institute of Futures Studies.

5. UNICEF (1994) Children and women – A  situation analysis. Hanoi, UNICEF p51-53.

6. Bộ y tế (1997) Niên giám thống kê y tế 1997. Hà nội, Bộ y tế

7. Hung T, Dung T, Tuan T, &Dahlgren G (1988) Macro and micro-level Analysis of Determinants of Variations  in Health care Utilization.  Báo cáo trình bày tại Hội thảo về công bằng Y tế

8. WHO (1997) World Health Report 1997. Geneva: WHO

9. Trương Ðình Kiệt & cộng sự (1988). Nghiên cứu gánh nặng bệnh tật do tử vong tại các tỉnh phía Nam năm 1997-1998. Chưa xuất bản.

10. Viện tim mạch (1996) Văn kiện báo cáo chuẩn bị Ðại hội Ðảng 8: Tình hình các bệnh tim mạch. Hà nội: Bộ y tế

11. Bệnh viện Bạch Mai � khoa nội tiết (1996) Văn kiện báo cáo chuẩn bị Ðại hội Ðảng 8: Các bệnh nội tiết. Hà nội: Bộ y tế

12. Ðỗ văn Dũng (1998) Tình trạng dinh dưỡng trẻ em từ 3 đến 47 tháng tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh và các yếu tố quyết định. Thành phố Hồ Chí Minh: Luận án Phó tiến sĩ năm 1998. Chưa xuất bản

13‑Bloem MW, Gorstein J (1995) Vietnam: Xerophthalmia Free - 1994 National Vitamin A Deficiency and Protein Energy Malnutrition Prevalence Survey - [Consultancy Report]. National Institute of Nutrition, Hanoi.

14. Hà Huy Khôi (1996) Một số đặc điểm về tình trạng dinh dưỡng của nhân dân ta hiện nay. Trong: Mấy vấn đề dinh dưỡng trong thời kì chuyển tiếp. Hà nội: Nhà xuất bản Y học

15. RETA (1998)  Investment for child nutrition  in Vietnam. Hà nội: RETA

16. Bộ y tế (1998) Báo cáo nghiên cứu phòng chống tai nạn thương tích xây dựng mô hình cộng đồng an toàn. Hà nội: Trung tâm xã hội học y tế

17. Horne N (1996) Tuberculosis and other mycobacterial diseases. In: Cook G (eds) Manson’s Tropical diseases. London: WB Saunders, London

 

 

 

 

 


 

[1] Trường Đại Học Y Dược TP Hồ Chí Minh