Chỉ dẫn: Bộ môn > Nghiên cứu 

Dự báo số mới mắc bệnh mạch vành tim ở Việt nam năm 2020

Đỗ Văn Dũng[1]

Tóm tắt

Nghiên cứu có mục tiêu ước lượng số mới mắc bệnh mạch vành tim hàng năm ở thời điểm hiện tại năm 1999 và dự báo sự thay đổi cho đến năm 2019. Phương pháp ước lượng dựa vào mô hình tiên đoán nguy cơ bệnh mạch vành và phương pháp ước lượng dân số. Kết quả cho thấy hàng năm có khoảng 250.000 người bị bệnh mạch vành mới hàng năm và số này sẽ gia tăng từ 70 đến 90% trong vòng 20 năm tới. Số mới mắc bệnh mạch vành tim thay đổi đáng kể theo tỉ lệ hút thuốc lá ở nam giới với phân số nguy cơ quy trách dân số do hút thuốc lá là 14,2% (nếu tỉ lệ hút thuốc lá ở nam giới là 50%). Vì vậy nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống hút thuốc lá để làm giảm gánh nặng do bệnh tim mạch đem lại cho cộng đồng.

Abstract

Forecasting of incidence of coronary heart disease in Vietnam by the year 2020.

 Do Van Dung

The objective of this study is to estimate the current incidence of coronary heart disease (in 1999) and forecast the trend of the incidence by the year 2020. The estimation and forecasting used the model for predicting coronary heart disease using categorical risk factors together with the projected population by component method.

The result shows the annual incidence is about 250,000  (0.33%) and the incidence will increase by 70% to 90% by 20 years. The incidence of coronary heart disease is strongly influenced by the proportion of smoking among males with the population attributable risk fraction of 14.2% (based on the estimation of current smoking proportion of 50% among male). Therefore the anti-tobacco program should be strengthened to reduce the burden caused by cardio-vascular diseases.

Mở đầu

Các bệnh tim mạch là một vấn đề sức khoẻ công cộng và là gánh nặng bệnh tật hàng đầu ở Việt nam ở lứa tuổi trên 50 tuổi,1 trong đó quan trọng nhất về phương diện gây tàn phế và tử vong là bệnh mạch vành. Vì vậy việc xác định quy mô hiện tại của bệnh mạch vành, dự báo các thay đổi về số trường hợp mắc bệnh trong tương lai và xác định hiệu quả của các biện pháp can thiệp xã hội là rất cần thiết.

Thực vậy, do sự thay đổi trong hành vi tìm kiếm dịch vụ y tế ở bệnh nhân mạch vành, dân số bệnh nhân mạch vành tại bệnh viện không thực sự đại diện cho dân số mắc bệnh. Vì vậy, việc ước tính quy mô của bệnh mạch vành, xác định các đặc tính của dân số mác bệnh sẽ có giá trị trong việc xác định nhu cầu chăm sóc sức khoẻ và xác định sự thiếu hụt của dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ở các nhóm dân số khác nhau.

Ngoài ra việc dự báo tình hình bệnh mạch vành cũng có ý nghĩa tích cực giúp các nhà hoạch định chính sách y tế chủ động đáp ứng với nhu cầu điều trị của bệnh nhân. Mặc dù đã có một số công trình dự báo số mắc bệnh mạch vành trong tương lai nhưng do tác giả sử dụng mô hình dự báo đơn giản nên chỉ dự báo được tỉ lệ tăng tương đối mà không dự báo được mức độ tăng tuyệt đối cũng như sự thay đổi về đặc tính của dân số mắc bệnh.2

Việc xác định hiệu quả của các can thiệp xã hội trên bệnh mạch vành cũng có giúp các nhà hoạch định chính sách xác định các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa thích hợp. Cho đến nay, các yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh mạch vành ở cá nhân đã được nhận biết và hiệu quả can thiệp trên các yếu tố nguy cơ này cũng được xác định.3 Tuy nhiên các hiệu quả của các can thiệp trên quy mô xã hội còn chưa được xác định.

Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu xác định quy mô và các đặc tính của dân số mắc bệnh mạch vành ở thời điểm hiện tại và dự báo quy mô của bệnh tương ứng với các bối cảnh khác nhau. Từ đó sẽ xác định được hiệu quả của các biện pháp can thiệp xã hội. Những mục tiêu này có thể đạt được dựa vào các tiến bộ về khoa học, cụ thể là kết quả của các nghiên cứu về mô hình tiên đoán nguy cơ bệnh mạch vành4 và sự có mặt của các chương trình máy tính giúp việc tính toán.5 6

Phương pháp

Nghiên cứu sử dụng mô hình tiên đoán nguy cơ bệnh mạch vành dựa trên các yếu tố nguy cơ chính gồm: tuổi, giới tính, huyết áp, lượng cholesterol toàn phần, cholesterol có tỉ trọng cao HDL-cholesterol, có mắc bệnh tiểu đường  hay không và có hút thuốc lá hay không.4 Mô hình này được áp dụng vào dân số Việt nam  được xác định qua cuộc tổng điều tra dân số lần thứ ba năm 1999, dân số này được phân theo giới tính, theo phân nhóm tuổi có khoảng cách 5 năm, theo khu vực cư trú thành thị hay nông thôn.7

Việc dự báo dân số trong các năm 2009 và 2019 được thực hiện sử dụng phương pháp thành phần (component method) với dân số ban đầu là dân số Việt nam năm 1999, dự báo số sinh dựa vào tỉ suất mắn đẻ đặc hiệu theo tuổi7 và dự báo về tử vong sử dụng bảng sống Bắc, mức 19 (north, level 19)  với kì vọng sống lúc sinh của nam là 63 và của nữ là 67.8 Các giả định khác: Mức cholesterol toàn phần huyết thanh từ 200-239 mg/dL; mức cholesterol tỉ trọng cao trong huyết thanh là 45-49 mg/dL, trong dân số không cao huyết áp , huyết áp tâm thu thấp hơn 130 mmHg, huyết áp tâm trương thấp hơn 85mmHg và trong dân số cao huyết áp, phân nửa bị cao huyết áp độ I (huyết áp  tâm thu từ 140-159 mmHg, huyết áp tâm trương từ 90-99 mmHg) và phân nửa bị cao huyết áp độ II (huyết áp  tâm thu > =160 mmHg, huyết áp tâm trương từ > =100 mmHg), tỉ lệ cao huyết áp trong dân số là 20% ở nam giới và 15% ở nữ giới (thấp hơn các con số tương ứng trong một nghiên cứu ở  Đài Loan là 26% và 19%).9  

Tình hình bệnh mạch vành được dự báo cho năm 2009 và 2019 tương ứng với các tỉ lệ hút thuốc lá ở nam giới là 30%, 50% và 70% và tỉ lệ bệnh tiểu đường là 3%, 4% và 5% bằng chương trình máy tính tiên đoán nguy cơ bệnh mạch vành.6

Kết quả thu được bao gồm tổng số bệnh mạch vành mới hàng năm, đặc điểm tuổi và giới tính của dân số mới mắc. Nghiên cứu cũng tính nguy cơ quy trách dân số (population attributable risk fraction) của bệnh mạch vành gây nên do hút thuốc lá.

Kết quả

1. Mô tả dân số

Dựa vào kết quả của tổng điều tra dân số năm 1999, tháp tuổi dân số Việt nam năm 1999 được trình bày trong Hình 1. Tháp tuổi dân số dự báo vào năm 2019 được trình bày ở hình 2.

Hình 1. Tháp tuổi dân số Việt nam năm 1999 với tuổi trung vị là 23,24

Hình 2. Tháp tuổi dân số Việt nam năm 2019 với tuổi trung vị là 29,53

2. Số mới mắc bệnh mạch vành thay đổi theo tỉ lệ bệnh tiểu đường.

Bảng 1. Số mới mắc hàng năm  và đặc tính dân số học của bệnh nhân mới mắc tương ứng với tỉ lệ tiểu đường trong dân số là 3%, 4% và 5%. Giả định tỉ lệ hút thuốc lá ở nam giới là 50% và nữ giới không hút thuốc. Trong vòng 20% số mới mắc bệnh mạch vành tăng 73%

 

1999

2009

2019

% tiểu đường

3%

4%

5%

3%

4%

5%

3%

4%

5%

Số mới mắc Nam (ngàn)

157

157

158

206

207

208

277

279

280

Số mới mắc Nữ (ngàn)

95

95

96

121

121

122

157

158

159

Tỉ số nam/nữ

1,65

1,65

1,64

1,71

1,71

1,70

1,77

1,76

1,76

Tuổi trung vị BN Nam

61,9

61,9

61,8

59,1

59,1

59,1

60,9

60,9

60,9

Tuổi trung vị BN Nữ

58,9

58,9

58,8

56,5

56,5

56,5

59,0

59,0

53,9

Kết quả được trình bày ở bảng 1 cho thấy có sự gia tăng số mới mắc bệnh mạch vành đến 73% trong vòng 20 năm từ 1999 đến 2019. Kết quả cũng cho thấy sự thay đổi của tỉ lệ tiểu đường không tác động quan trọng đến nguy cơ bệnh tim mạch một cách đáng kể. Tỉ số nam/nữ gia tăng theo thời gian do sự sút giảm tỉ lệ người nam lớn tuổi trong dân số được phục hồi (xem hình 1 và hình 2).

3. Số mới mắc bệnh mạch vành thay đổi theo tỉ lệ hút thuốc lá ở nam giới

Bảng 2. Số mới mắc hàng năm  và đặc tính dân số học của bệnh nhân mới mắc tương ứng với tỉ lệ hút thuốc lá trong nam giới là 30%, 50% và 70%. Giả định nữ giới không hút thuốc và tỉ lệ tiểu đường trong dân số là 4%. Trong vòng 20% số mới mắc bệnh mạch vành tăng 73%.

 

1999

2009

2019

% hút thuốc lá

30%

50%

70%

30%

50%

70%

30%

50%

70%

Số mới mắc Nam (ngàn)

143

157

172

188

207

226

253

279

304

Số mới mắc Nữ (ngàn)

95

95

95

121

121

121

158

158

158

Tỉ số nam/nữ

1,50

1,65

1,8

1.55

1,71

1.87

1,60

1,76

1.92

Tuổi trung vị BN Nam

62,1

61,9

61,7

59.3

59,1

59.0

61,0

60,9

60.8

Tuổi trung vị BN Nữ

58,9

58,9

58,5

56,5

56,5

57,2

59,0

59,0

58,9

Cũng có thể nhận xét tỉ số giới tính nam/nữ thay đổi theo tỉ lệ hút thuốc lá: Nam càng hút lá nhiều thì tỉ số nam/nữ trong nhóm bệnh mạch vành càng tăng.  Cũng tương tự như phân tích trên, trong vòng 20 năm số mới mắc bệnh tim mạch cũng tăng 95% tuy nhiên số mới mắc tim mạch phụ thuộc nhiều vào tỉ lệ hút thuốc lá. Phân số nguy cơ quy trách dân số của bệnh mạch vành trong dân số là 14,2% (nếu cho rằng tỉ lệ hút thuốc lá trong nam giới hiện nay là 50%).

Bàn luận

Ở Việt nam, bệnh tim mạch là một gánh nặng bệnh tật quan trọng nhất nhóm tuổi từ 50 trở lên1 và gánh nặng bệnh tật do bệnh tim mạch này sẽ càng nặng nề với sự thay đổi của cấu trúc dân số và tình hình phát triển kinh tế xã hội2.  Việc dự phòng bệnh mạch vành là một thách thức cho ngành y tế công cộng, tuy nhiên do tính chất phức tạp và đa căn nguyên của bệnh mạch vành, việc chọn lựa các giải pháp can thiệp là khó khăn.

Từ mô hình trên, tỉ suất mới mắc bệnh mạch vành được ước tính là 0,33% hàng năm. Như vậy ở mỗi xã khoảng 10 ngàn dân, số mới mắc bệnh mạch vành hàng năm là 33 người. Nếu nhu cầu khám chữa bệnh của người dân được đáp ứng đầy đủ, điều này tương đương khoảng 10 ngày có một bệnh nhân mới bị mắc bệnh mạch vành khám bệnh tại trạm y tế xã. Khả năng đáp ứng của ngành y tế cũng phải đáp ứng với sự gia tăng của tỉ suất mới mắc từ 70% đến 90% trong vòng 20 năm.

Mặc dù có nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành, rất khó can thiệp về mặt y tế công cộng vào một số yếu tố nguy cơ như tuổi, giới tính, huyết áp và nồng độ cholesterol trong huyết thanh. Các yếu tố nguy cơ có thể biến cải bao gồm bệnh tiểu đường và hút thuốc lá, trong đó việc hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ dễ nhận biết và có tác động quan trọng: Nguy cơ tương đối mắc bệnh tim mạch ở người hút thuốc lá tăng gấp hai lần và phân số nguy cơ quy trách dân số do hút thuốc lá lên tới 14,2%.

Tóm lại, bệnh mạch vành đang là gánh nặng bệnh tật quan trọng với 250.000 trường hợp mới mắc mỗi năm và đang trên chiều hướng gia tăng do việc lão hoá của dân số. Biện pháp y tế công cộng quan trọng nhất để kiểm soát vấn đề này là đẩy mạnh chương trình phòng chống hút thuốc la.ù

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Bích Loan, Đỗ Văn Dũng. Nghiên cứu bước đầu số năm sống bị mất ở một số xã miền Nam. Y học thành phố Hồ Chí Minh 2000; Phụ bản số 1 tập 4: 59-67

2. Đỗ Văn Dũng. Dự báo tình hình sức khoẻ bệnh tật ở Việt nam đến 2010. Y học thành phố Hồ Chí Minh 2000; Phụ bản số 1 tập 4: 1-8

3. Pyorala K, De Backer G, Graham I, Poole-Wilson P. Prevention of coronary heart disease in clinical practice. Recommendations of the task force of the European Society of Cardiology, European Atherosclerosis Society and European Society of Hypertension. Eur Heart J 1994; 15: 1300-1301.

4. Wilson PWF, Agostino RBD, Levy D, Belanger AM, Silbershatz H, Kannel WB. Prediction of coronary heart disease using risk factors categories. Circulation 1998; 97:1837-1847.

5. Hingorani AD, Vallance P. A simple computer program for guiding managment of cardiovascular risk factors and prescribing. BMJ 1999; 318:101-105.

6. Đỗ Văn Dũng. Chương trình máy tính dùng trong hướng dẫn điều trị và quản lí nguy cơ bệnh mạch vành. Y học thành phố Hồ Chí Minh 2001; Phụ bản số ? tập  ?: ??-?? .

7. Central census steering commitee. 1999 population and housing census: sample results. Hà nội, Thế Giới Publishers, 2000

8.Newell C. Methods and Models in demography. NewYork, John Wiley and Sons, 1995.

9. Pan WH, Chang HY, Yeh WT, Hsiao SY, Hung YT. Prevalence, awareness, treatment and control of hypertension in Taiwan: results of Nutrition and Health Survey in Taiwan (NAHSIT) 1993-1996. Journal of Human Hypertension 2001; 15(11):793-798

 

 

 

 


 

[1] Tiến sĩ, Bác sĩ, Giảng viên Bộ môn Thống kê y học và Tin học, khoa Y tế Công cộng, Đại Học Y Dược TP Hồ Chí Minh